"Người chưa từng tiếp xúc lập trình nhưng đi học các khó ở các trung tâm dạy IT là phí tiền vô bổ mà thôi. Những khóa học này mang lại lợi ích, có chăng là dành cho các đối tượng học đại học, cao đẳng về IT nhưng mất gốc, hoặc người đã có nền tảng IT muốn học thêm thì mới có thể hiểu và áp dụng được.
Còn các bạn tay ngang học các trung tâm rồi chuyển sang làm việc ở lĩnh vực IT, thì năng lực tự học của các bạn phải gọi là siêu việt mới có thể kiếm ra tiền.
Giáo án dạy và kiến thức các trung tâm cung cấp ở mức rất cơ bản và toàn là các kiến thức, công cụ cũ. Vì công cụ hay kiến thức cũ nên nó miễn phí, không cần mua để dạy lại cho học viên. Nên nếu không có nền tảng thì gần như chỉ là làm quen với lập trình như học sinh tiểu học mà thôi".
Độc giả Việt Anh Phạm nhận xét như trên sau bài Podcast Vỡ mộng vì khóa lập trình ngắn hạn, kể về một bạn trẻ dùng 23 triệu đồng tích lũy sau khi đi xuất khẩu lao động để học lập trình 6 tháng với kỳ vọng lương nghìn USD, rồi vỡ mộng vì tự nhận thấy mình không thể làm gì sau khi học xong.
Bạn đọc có nickname quocviet191097 chia sẻ từng tốn ít tiền hơn để học khóa lập trình, nhưng không mơ mộng lương nghìn USD: "Tôi cũng học khóa lập trình trong 6 tháng, nhưng mất có 5 triệu đồng học phí thôi. Tất nhiên học để biết mặt ngôn ngữ lập trình chứ không phải mơ cái lương ngàn đôla".
Trước làn sóng tuyển dụng việc làm IT lương bổng cao, phúc lợi tốt trong những năm gần đây, nhiều người ví von "IT là vua của mọi nghề". Điều này khiến nhiều bạn trẻ đổ xô đăng ký chọn và học ngành này bằng nhiều con đường khác nhau. Độc giả Việt Úc cho rằng đừng quá tin vào các khóa học ngắn hạn:
"Đừng chỉ tin vào các khóa học, quảng cáo cơ hội việc làm sau khóa học. Muốn làm nghề gì cũng phải có tư duy về nghề đó, với lập trình bạn cần có tuy duy logic, toán học, thuật toán, sáng tạo và phải yêu thích nó.
Đừng vội nghĩ đến kiếm tiền khi bắt đầu học lập trình, hãy học thật tốt, thực tập, kiếm việc không có lương để lấy kinh nghiệm, sau vài năm mới có cơ hội kiếm tiền. Ở Việt Nam, các lập trình viên thường chỉ là coding cho các dự án đã có thiết kế chi tiết, yêu cầu thấp hơn rất nhiều với lập trình viên (programmer) hay kiến trúc sư phần mềm".
Độc giả nickname thacphe1997 cho rằng khả năng cạnh tranh việc làm của những người tay ngang học IT là rất thấp: "Nghề IT đúng là ít cần bằng cấp nhưng đa số doanh nghiệp cần người đã có kinh nghiệm. Người mới học lập trình ra đúng là rất khó kiếm việc, thậm chí có nhận người chưa có kinh nghiệm thì các doanh nghiệp lại thường chọn sinh viên mới ra trường đại học liên quan đến IT, chứ người ngoài gần như không có cửa".
Độc giả nickname phanasaoz liệt kê những kiến thức cần phải biết khi học khoá IT:
"Yêu cầu: Bạn cần tư duy logic tốt, thể hiện bằng IQ, thể hiện qua giải toán logic. Ngoài ra bạn có khả năng tự học liên tục, ngồi máy tính cả ngày, và yêu thích lập trình. Nếu thiếu bất cứ yêu cầu nào bên trên, bạn sẽ nhanh chóng bị đào thải (dù may mắn được tuyển).
Lợi thế: IQ càng cao càng tốt, có khả năng sắp xếp mọi thứ một cách có trật tự, và có sở thích tối ưu mọi thứ, biết tiếng Anh.
Các bạn cần học gì khi làm Web developer?
- Tiếng Anh- HTML/ CSS/ Java script.
- Thuần thục ít nhất một framework front-end.
- Thuần thục ít nhất một ngôn ngữ back-end.
- Hiểu Client-Server, HTTP, SMTP, FTP, SSL/TLS.
- Biết API, Webservice là gì. Khái niệm Sync/Async và dùng Ajax/Promise.
- SQL/NoSQL Database, Json, XML.
- Lập trình hướng đối tượng OOP cho cả back-end và front-end.
- Hiểu một vài thuật toán cơ bản.
- Biết cách viết code "sạch sẽ".
- Biết dùng Trello / JIRA, Git.
- Biết Software life cycle bao gồm những gì.
- Làm ít nhất ba sản phẩm giải quyết một vấn đề thực tế.
- Kiểm tra thử sản phẩm.
Sơ sơ những kiến thức trên đủ khiến các bạn tốn ít nhất một năm học rồi, và nó cũng chỉ đủ để bạn làm theo những gì người ta nói thôi. Còn rất xa để đến được khả năng tự đưa ra giải pháp, giá trị cao nhất của kỹ sư".
Một cách tổng quát, bạn đọc Thanh Hà đánh giá: "Những người học các khóa ngắn hạn này là những người đã có sẵn căn bản, cần bổ sung kiến thức về một mảng nào đó. Và cũng chỉ là tạo đà mà thôi, tự nghiên cứu tìm hiểu là chính, hoặc ít nhất cũng phải có 'sư phụ' nâng đỡ ngoài đời.
IT là tổng hợp của nhiều thứ, không chỉ mỗi lập trình, người lập trình không chỉ giỏi phần lập trình mà thậm chí còn phải giỏi chuyên môn thứ mình đang tạo ra. Ví dụ: người lập trình một phần mềm kế toán, thì phải am hiểu mọi ngóc ngách nghề kế toán thì mới có thể tạo ra một phần mềm thành công.
Chí ít cũng phải có một tư vấn trong ngành kế toán ngồi cạnh chỉ liên tục, không chỉ giải quyết yêu cầu của dự án, nó chỉ là cái sườn, còn phải đáp ứng được thói quen và mọi thao tác của người dùng.
Ví dụ tôi buôn bán trên các sàn thương mại điện tử, có sàn giao tiếp rất tốt với người dùng, có sàn khi dùng cảm thấy í ẹ toàn tập, dù quảng cáo rùm beng. Dĩ nhiên lập trình viên giỏi mới được tuyển vào làm, nhưng kết quả rất khác biệt. có người tạo ra những tính năng vô cùng hoành tráng cao siêu, nhưng khách hàng không muốn dùng".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.