Karl Lagerfeld - giám đốc sáng tạo quyền lực của nhà mốt Chanel - từng khẳng định: "Có những thứ sẽ không bao giờ bị lỗi mốt trong giới thời trang, đó là jeans, áo sơ mi trắng và áo khoác tweed đen Chanel".
Với thời gian tồn tại hơn 50 năm, áo khoác vải tweed cùng váy suông đen của nhà thiết kế Coco Chanel luôn là trang phục "trường tồn" trong tủ quần áo của các tín đồ thời trang.
Cùng nguồn gốc với vải flannel (dạ, nỉ), vải tweed (chất liệu thô, len có bề mặt sần) có xuất xứ từ thế kỷ 18 tại vùng Scotland lạnh ẩm quanh năm. Thuở ấy, những người thợ đã sử dụng kỹ thuật dệt vân chéo trên chất liệu len nguyên chất để cho ra đời loại vải thô dày, bền chắc và ấm áp, phù hợp với khí hậu giá rét và tính chất công việc nặng nhọc của người lao động trong vùng.
Tên gọi vải "tweed" bắt nguồn từ sự nhẫm lẫn của một thương gia đến từ London năm 1830. Tên đúng là tweel, đọc theo từ địa phương ở Scotland dùng để chỉ vải dệt chéo. Nhưng thương gia đọc nhầm thành tweed - tình cờ là tên con sông chảy qua vùng dệt nổi tiếng ở Scotland. Vì thế, tên gọi "tweed" vừa liên quan, vừa không liên quan đến sản phẩm.
Khoảng nửa đầu thế kỷ 19, nhận thấy tính chất chống nước và gió của vải tweed phù hợp với hoạt động ngoài trời, hoàng tử Albert của Vương quốc Anh đã chọn chất vải này cùng họa tiết về lâu đài Balmoral làm đồng phục săn bắn cho mình cùng tùy tùng. Trào lưu này nhanh chóng lan rộng khiến trang phục vải tweed trở nên thông dụng trong tất cả hoạt động thể thao và ngoài trời của giới quý tộc và trung lưu nước Anh một thời gian ngắn sau đó.
Thế nhưng, người có công đầu biến vải tweed - chất vải phổ thông được tầng lớp lao động sử dụng - trở thành chất liệu thời trang cao cấp cho giới thượng lưu là nhà thiết kế huyền thoại Coco Chanel. Chanel tình cờ biết về loại vải bình dân này vào thập niên 1920 khi bà nghỉ mát cùng tình nhân - Công tước xứ Westminster. Lúc ấy, bà nhìn thấy bộ trang phục thể thao từ vải tweed của ông. Ngay khi trở về từ kỳ nghỉ, Coco đã đặt một nhà máy ở Scotland chuyên sản xuất loại vải này cho riêng mình.
Ban đầu, bảng màu mà Chanel gửi cho nhà máy được lấy hoàn toàn từ thiên nhiên: một ít lá cây và đất nâu của vùng cao nguyên Scotland. Về sau, bà sử dụng các màu phong phú hơn, và chuyển các nhà máy về miền bắc nước Pháp để nâng cấp chất liệu. Bằng cách dệt từ len cừu, lụa, sợi bông và cellophane (chất liệu mỏng, trong suốt còn được dùng làm giấy bọc thực phẩm), vải tweed đã trở nên nhẹ hơn nguyên mẫu.
Khi đưa một chất liệu sần sùi, thô ráp chỉ dành may trang phục cho nam giới vào thời trang nữ, Chanel đã chọn một thiết kế trái ngược với mẫu áo khoác chít eo nữ tính của đối thủ Dior thời ấy. Bà thử nghiệm mẫu áo khoác dáng tròn không cổ - lấy cảm hứng từ đồng phục nam của nhân viên khách sạn Baron Pantz ở Áo, với phom dáng cứng thẳng và những đường cắt vuông vắn nhưng chắc chắn và tinh tế.
Chiếc áo khoác vải tweed mang thương hiệu Chanel những năm 1950 đánh dấu sự chuyển mình của vai trò nữ giới trong xã hội. Nó giải phóng phái nữ, cho phép họ vận động thoải mái và linh hoạt hơn với các hoạt động thường ngày. "Một trang phục thanh lịch phải mang đến sự tự do khi di chuyển", Chanel từng nói.
Những chi tiết trên áo in đậm dấu ấn cá nhân của Chanel. Bà yêu cầu khách hàng bắt chéo tay lên vai để có số đo vai rộng nhất khi vận động, thiết kế thêm bốn túi ở hai bên hông kiểu Tyrolean (trang phục truyền thống của người dân vùng Trung Âu xưa) để phụ nữ đút tay vào như nam giới. Còn tay áo chỉ dài bằng 3/4 bình thường giúp cử động dễ dàng hơn. Thậm chí, Chanel yêu cầu thêm miếng độn vai, may hàng nút tròn lớn cho dễ cài và đặc biệt giấu những sợi xích nhỏ trong viền áo để trang phục luôn đứng dáng.
Những chi tiết phóng khoáng nhưng tinh tế mang lại cảm giác thoải mái cho người mặc. Tất nhiên, sản phẩm ấy không thể thiếu biểu tượng đặc trưng của Chanel - những đường viền bằng sợi vải tweed dọc mép áo, gấu áo và túi áo, lớp lót lụa cao cấp in hình hoa trà ở mặt trong và biểu tượng hai chữ C lồng vào nhau trên ngực áo.
Mẫu áo khoác và bộ suit bằng vải tweed cao cấp nhanh chóng được các nhân vật nổi tiếng ưa chuộng, trong đó có cựu Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy, người thích mặc bộ suit bằng vải tweed khi xuất hiện trước công chúng. Áo khoác vải tweed của Chanel cũng manh nha cho một kỷ nguyên mới của thời trang là menswear. Alexander Wang - cựu giám đốc sáng tạo của Balenciaga, đại diện cho thế hệ nhà thiết kế trẻ tài năng - từng thốt lên: "Áo khoác Chanel thật sự là một sáng tạo vượt thời gian. Đó là chiếc áo phi giới tính và là mơ ước của mọi nhà thiết kế".
Ngày nay, vải tweed ngày càng được sử dụng rộng rãi ở các thương hiệu khác như Prada, Jean Paul Gaultier, Lanvin... Dưới bàn tay của người kế nhiệm Karl Lagerfeld, nhà mốt Chanel vẫn khiến giới mốt trầm trồ trước biến hóa của mẫu thiết kế truyền thống qua các mùa. Nó không còn gò bó trong thiết kế áo khoác, bộ suit truyền thống mà đa dạng hơn với đầm, quần shorts, mũ... Màu sắc cũng không đơn thuần là trắng xám mà đã có những tông sáng tươi tắn và hiện đại.
Tuy nhiên, nhắc đến vải tweed là nhắc đến biểu tượng đặc trưng nhất của Chanel cũng như phong thái của nhà thiết kế đã truyền trên chiếc áo khoác kinh điển.
Hành trình ra đời áo khoác vải tweed của Chanel |
|
Sao Mai