Việc George Floyd bị một cảnh sát Minneapolis ghì chết ngày 25/5 không chỉ khiến các cuộc biểu tình và bạo loạn lan khắp nước Mỹ, mà còn thúc đẩy nhóm hacker Anonymous trở lại.
Cuối tuần trước, website của Sở cảnh sát Minneapolis bị hack và bị tấn công từ chối dịch vụ DDos. Một phần cơ sở dữ liệu, email và mật khẩu được cho là đang nằm trong tay Anonymous. Trên tài khoản Twitter ngày 31/5, nhóm tin tặc này chia sẻ video hứa hẹn phơi bày "nhiều tội ác" của cảnh sát Mỹ với thế giới.
Anonymous cũng tuyên bố công bố các tài liệu chống lại Tổng thống Mỹ Donald Trump, tỷ phú Jeffrey Epstein và nhiều nhân vật nổi tiếng khác. Nhóm cũng khẳng định nắm giữ thông tin về cái chết của công nương Diana. Tuy nhiên, các tweet này hiện đã bị xóa.
Theo Forbes, chưa có bằng chứng nào cho thấy Anonymous nắm được bí mật về Trump. Thông tin có thể chỉ để tung hỏa mù chứ không nghiêm trọng, tương tự vụ REvil.
Ngày 15/5, nhóm tin tặc REvil, được cho là nằm ở Đông Âu, tuyên bố thâm nhập thành công vào hệ thống mạng của hãng luật Grubman Shire Meiselas & Sacks tại New York. REvil khẳng định giữ tới 767 GB dữ liệu của Grubman và đòi số tiền chuộc 42 triệu USD, nếu không sẽ phát tán thông tin mật về Trump. Sau đó, nhóm này tung ra 169 email có đề cập tới Tổng thống Mỹ, nhưng đều không có gì nghiêm trọng. Cuối cùng, REvil tuyên bố đã bán gói dữ liệu cho bên thứ ba.
Dù vài năm không có hoạt động mới, Anonymous vẫn là nhóm hacker khét tiếng nhất thế giới. Nhóm ra đời từ năm 2003 thông qua một lời kêu gọi trên diễn đàn 4chan. Biểu tượng của nhóm là người đàn ông không đầu và đeo mặt nạ Guy Fawkes như trong phim V for Vendetta.
Năm 2008, nhóm bắt đầu thu hút chú ý sau khi video về giáo phái Scientology (Tom Cruise là một thành viên) rò rỉ trên YouTube. Nhà thờ yêu cầu YouTube phải gỡ bỏ video và hành động này khiến Anonymous nổi giận, tuyên chiến và kêu gọi biểu tình phản đối Scientology khắp mọi nơi.
"Chúng tôi là Anonymous. Chúng tôi không tha thứ. Chúng tôi không quên. Hãy đợi đấy", nhóm tuyên bố.
Từ đây, Anonymous vươn ra ngoài 4chan và tung hoành khắp thế giới, đỉnh cao là năm 2011 với 25 chiến dịch và năm 2012 với 31 chiến dịch. Nhóm thường tấn công theo các sự kiện, như thách thức PayPal, Visa, MasterCard vì không hỗ trợ Julian Assange - ông chủ WikiLeaks, hay tấn công website của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối luật kiểm duyệt Internet. Trong số này, chiến dịch chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) không phải lớn nhất nhưng nhận được sự ủng hộ rộng khắp. Thậm chí, nhóm từng trộm hàng nghìn thẻ tín dụng của Apple và Lực lượng không quân Mỹ... rồi chuyển tiền cho các tổ chức từ thiện với mục tiêu tặng một triệu USD nhân dịp giáng sinh và năm mới cho người nghèo năm 2011.
Những cuộc tấn công của Anonymous luôn gây tranh cãi. Trong một số trường hợp, họ được ví như Robin Hood của thời đại số. Nhưng cũng có lúc, họ bị coi là kẻ khủng bố, phá hoại.
Năm 2012, tạp chí Time xếp Anonymous đứng thứ 36 trong danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới.
Châu An