Trong khi các nhóm hacker lừng danh như LulzSec, Lizard Squad hay Team Poison có thể gây chấn động thế giới một thời gian rồi rút lui vào bóng tối thì Anonymous đã hoạt động kéo dài tới hơn một thập kỷ cùng hàng loạt chiến dịch lớn làm đau đầu nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Thậm chí, nhóm này góp mặt trong danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Time.
Vậy tại sao họ lại tồn tại lâu đến vậy? Đáp án cho câu hỏi "Anonymous là ai" đã phần nào giải thích lý do cho sự thành công của nhóm: Anonymous chẳng là ai cả. Trong khi đa số các tổ chức được hình thành có cấp bậc, phân quyền thì Anonymous có kết cấu lỏng lẻo, ngang hàng và không có thủ lĩnh với vai trò ra lệnh cho các thành viên còn lại. Phương châm của nhóm là: "Bạn không thể chặt đầu một con rắn không đầu".
Nói cách khác, về mặt lý thuyết, bất cứ thành viên nào (còn gọi là Anons) cũng có thể sử dụng tên "Anonymous" để phát động tấn công và nếu đủ sức hút, sẽ có một nhóm người cùng tham gia đến cùng. Dĩ nhiên, sẽ vẫn có những Anons chủ chốt sẵn sàng ra tay nhằm ngăn chặn các hoạt động vượt ra khỏi tiêu chí, mục tiêu mà nhóm đã đề ra.
Các thành viên Anonymous không hề biết tổ chức này có bao nhiêu người. Họ đến từ nhiều cộng đồng khác nhau nhưng đều giữ kín thân thế, nhờ đó, dù một số thành viên bị bắt thì các thành viên còn lại đều có thể âm thầm rút lui mà không lo sợ bị lộ danh tính.
Anonymous ra đời từ năm 2003 thông qua một lời kêu gọi trên diễn đàn 4chan. Biểu tượng của nhóm là người đàn ông không đầu và chiếc mặt nạ Guy Fawkes như trong phim V for Vendetta. Có hai nhóm người trong Anonymous, một muốn nhân danh công lý để thay đổi thế giới và một muốn tham gia các chiến dịch chỉ để cho vui.
Đến năm 2008, nhóm bắt đầu thu hút sự chú ý của dư luận sau khi một video về giáo phái Scientology (Tom Cruise là một thành viên) rò rỉ trên YouTube. Nhà thờ yêu cầu YouTube phải gỡ bỏ video và hành động này khiến Anonymous nổi giận, tuyên chiến và kêu gọi biểu tình phản đối Scientology khắp mọi nơi. Với chiến dịch Project Chanology, hàng loạt trang web của giáo phái bị tấn công từ chối dịch vụ trong khi nhà thờ cũng liên tục bị quá tải trước các cuộc gọi giả mạo.
"Chúng tôi là Anonymous. Chúng tôi không tha thứ. Chúng tôi không quên. Hãy đợi đấy", nhóm tuyên bố. Tiếp theo đó, 7.000 người đeo mặt nạ Guy Fawkes đứng biểu tình bên ngoài các trung tâm của Scientology ở nhiều nước.
Bắt đầu từ đây, Anonymous vươn ra ngoài 4chan và tung hoành khắp thế giới, đỉnh cao là năm 2011 với 25 chiến dịch và năm 2012 với 31 chiến dịch. Cũng trong năm 2012, tạp chí Time xếp Anonymous đứng thứ 36 trong số 100 người ảnh hưởng nhất thế giới.
Nhóm này thường tấn công theo các sự kiện nhằm thể hiện quan điểm chính trị nào đó, như đánh sập hệ thống của HBGary Federal vì đã hợp tác với FBI; thách thức PayPal, Visa, MasterCard vì không hỗ trợ Julian Assange (ông chủ WikiLeaks) hay tấn công website của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối luật kiểm duyệt Internet.
Anonymous cũng đánh sập các trang về lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến, các cơ quan bảo vệ tác quyền, Hiệp hội Phim ảnh, Hiệp hội Công nghiệp thu âm của Mỹ, tập đoàn Sony. Thậm chí, nhóm đã trộm hàng nghìn thẻ tín dụng của Apple, Lực lượng không quân Mỹ... rồi chuyển tiền cho các tổ chức từ thiện với mục tiêu tặng 1 triệu USD nhân dịp giáng sinh và năm mới cho người nghèo.
Chiến dịch ISIS
Trong số các cuộc tấn công của Anonymous, chiến dịch chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) không phải lớn nhất nhưng nhận được sự ủng hộ lớn. Đầu năm nay, Anonymous tuyên bố trả thù cho tạp chí biếm họa Charlie Hebdo của Pháp sau khi các tay súng tự xưng là thành viên Al-Qeada xả súng khiến 12 người, trong đó có tổng biên tập, thiệt mạng và 10 người bị thương.
Nhóm này đã tấn công hàng trăm website, tài khoản Twitter được cho là có liên quan đến "Hồi giáo cực đoan" và khủng bố. Website Ansar-allaqq tuyên truyền thánh chiến tại Pháp đã bị thay đổi trang chủ.
Ngày 16/11, Anonymous đăng video tuyên bố chống lại IS sau khi nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm thực hiện hàng loạt vụ khủng bố tại Paris khiến ít nhất 129 người chết cuối tuần qua. "Bọn ta sẽ khởi động chiến dịch lớn nhất để chống lại các ngươi. Đây sẽ là cuộc tấn công mạng với quy mô hùng hậu. Chiến tranh mạng chính thức bắt đầu. Hãy chuẩn bị đón nhận. Người Pháp mạnh mẽ và sau cuộc tấn công vừa qua sẽ càng mạnh mẽ hơn", tuyên bố được Anonymous phát đi.
Vai trò của Anonymous
Những cuộc tấn công của Anonymous luôn gây nhiều tranh cãi. Tùy tính chất của từng vụ, trong một số trường hợp, họ được ví như Robin Hood của thời đại số. Nhưng cũng có lúc họ bị coi như kẻ khủng bố, phá hoại. Nhưng không thể phủ nhận, rất nhiều vụ việc tai tiếng nhờ Anonymous vào cuộc mà được lôi ra ngoài ánh sáng.
Anonymous giữ nguyên tắc hành động theo số đông, đại diện cho ý chí và lợi ích chung của tập thể. Biên tập viên Quinn Norton của tạp chí Wired từng viết: "Tôi thừa nhận rằng tôi yêu Anonymous, nhưng không phải vì tôi nghĩ họ là những người hùng. Giống như nhân vật V trong V for Vendetta, bạn sẽ không bao giờ chắc chắn được rằng Anonymous là kẻ chính nghĩa hay phản diện".
Châu An