"Tôi chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán với chiến thắng", Ánh Viên nói với nụ cười tinh nghịch. "Khi thi đấu, tôi không muốn gì hơn là đoạt nhiều HC vàng nhất có thể. Tôi muốn thắng mọi cuộc thi với thành tích kỷ lục".
Cuộc phỏng vấn đó diễn ra năm 2015, khi truyền thông chủ nhà Singapore dồn sự chú ý vào Ánh Viên trước thềm SEA Games 28. Tờ TNP Singapore coi Ánh Viên là kình ngư duy nhất có thể toả sáng hơn ngôi sao Joseph Schooling của họ. Trang AsiaOne thậm chí đặt cho Ánh Viên biệt danh: Cô gái Thép, lấy cảm hứng từ huyền thoại bơi thế giới "Quý bà Thép" Katinka Hosszu.
Ánh Viên khi đó mới 19 tuổi, nhưng đăng ký cả 19 nội dung dành cho nữ ở môn bơi. Giới chuyên môn Singapore đều sững sờ, nhưng cho rằng kình ngư số một Việt Nam không thể dự trọn 19 nội dung. HLV đội tuyển Singapore David Lim nói: "Tôi chưa từng nghe thấy một kình ngư đăng ký tới 19 nội dung. Thật điên rồ. Cô ấy sẽ phải rút vài nội dung thôi. Nhưng khi xem Ánh Viên tập luyện dưới bể cùng các VĐV Singapore, tôi đã nhận ra cô ấy rất giỏi".
Ánh Viên đặt chân xuống Singapore như một ngôi sao và nhận được nhiều cuộc hẹn phỏng vấn từ truyền thông nước sở tại. Nhưng, cô từ chối phỏng vấn, để tập trung tối đa cho thi đấu. Ánh Viên đúng là không thể dự trọn 19 nội dung, nhưng cô cũng đem về 8 HC vàng, chỉ ít hơn một HC vàng so với Schooling. Nhưng trong đó Schooling có ba HC vàng bơi tiếp sức, còn thành tích của Ánh Viên đều từ nội dung cá nhân. Nói cách khác, Ánh Viên giành 50% số HC vàng cá nhân nữ môn bơi - sự áp đảo toàn diện.
Đấy cũng là những năm tháng đẹp nhất sự nghiệp của Ánh Viên, với những huy chương không chỉ ở khu vực, châu lục mà còn ở cả thế giới. Khi mới 16 tuổi, Ánh Viên đã thành kình ngư duy nhất của Việt Nam dự Olympic London 2012, nhờ đạt chuẩn B 200m ngửa và 400m hỗn hợp cá nhân nữ. Đến năm 2014, cô thành kình ngư Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương ở Asiad. Và một năm sau, Ánh Viên đoạt HC bạc thế giới ở chặng Moscow của FINA World Cup, với nội dung 400m hỗn hợp sở trường. Tất nhiên cô vẫn là VĐV bơi đầu tiên của Việt Nam làm được điều đó.
Tiềm năng của Ánh Viên đã được giới chuyên môn đánh giá cao. Báo Malaysia The Star từng ví Ánh Viên là "kình ngư có tiềm năng đạt đẳng cấp thế giới". Còn trang bơi nổi tiếng thế giới Swimswam gọi cô là "ngôi sao đa tài của châu Á".
Ánh Viên dĩ nhiên được coi là VĐV trọng điểm của Việt Nam, và được hỗ trợ để sang Mỹ tập huấn từ đầu năm 2014 để cải thiện thành tích. Cô tập cùng đội bơi St Augustine ở bang Florida, với sự hỗ trợ từ HLV Đặng Anh Tuấn. Dù làm việc cùng một vài chuyên gia Mỹ, Ánh Viên chủ yếu tập luyện dưới sự chỉ dẫn của HLV Anh Tuấn.
Ở tuổi 18, Ánh Viên bắt đầu mang trên vai kỳ vọng của cả một đất nước. Cô tập năm tiếng mỗi ngày, sáu ngày mỗi tuần ở Florida. Ánh Viên sống xa nhà nhiều tháng trời mỗi năm, chỉ có HLV Anh Tuấn ở bên cạnh. Hai thầy trò ăn tập cùng nhau để hướng tới mục tiêu mà cả hai cùng đồng lòng. Đó là vào chung kết bơi Olympic.
"Một ngày nào đó, tôi muốn bơi ở một cuộc thi chung kết tại Olympic", Ánh Viên từng nói với AsiaOne. Còn HLV Anh Tuấn cho biết: "Nếu Ánh Viên vào được chung kết, chuyện gì cũng có thể xảy ra".
Ước mơ lớn nhất sự nghiệp của Ánh Viên và thầy Anh Tuấn bị dập tắt chỉ bởi 0,31 giây. Tại vòng loại 400m hỗn hợp cá nhân nữ ở Olympic Rio 2016, Ánh Viên về thứ chín, kém suất vào chung kết với thời gian đó. Đấy cũng là khoảng cách gần nhất trong sự nghiệp của Ánh Viên với suất vào chung kết bơi ở Olympic.
Hôm 8/10, Ánh Viên nộp đơn lên Tổng cục TDTT xin giải nghệ, hơn nửa năm trước SEA Games 2022 ở Việt Nam. Những huy chương quốc tế đầu tiên của Ánh Viên đến ở SEA Games 2011, và sau 10 năm cô quyết định dừng lại. Ánh Viên khép sự nghiệp đầy rẫy vinh quang, với 12 HC vàng Đông Nam Á, 25 HC vàng SEA Games, một HC vàng châu Á, hai HC Asiad, một HC vàng Olympic Trẻ hay ba huy chương FINA World Cup.
Kể từ khi được ông nội dạy bơi lúc năm tuổi để tránh đuối nước, vì nhà Ánh Viên ở trước một con rạch, cô có lẽ không nghĩ tới thành công vang dội như bây giờ. Niềm tiếc nuối lớn nhất với Ánh Viên vẫn là chưa được bơi ở chung kết Olympic, điều mà Schooling từng làm được và thậm chí đoạt HC vàng.
Ánh Viên có lẽ cũng phải đánh đổi nhiều thứ để đạt thành tích đồ sộ như vậy, cả về tinh thần lẫn học vấn. Cuộc sống của một VĐV đỉnh cao khiến thời gian dành cho gia đình, bạn bè và người thân bị bó hẹp. Ánh Viên cũng tập trung tối đa cho chuyên môn, không bị xao nhãng bởi hào quang truyền thông. Từng nhận được học bổng từ Đại học Arizona, khi đạt những thành tích cao ở Mỹ, nhưng cô không thể nhập học vì còn mang kỳ vọng của thể thao Việt Nam trên vai. Người Việt Nam đặt cho Ánh Viên biệt danh "Tiểu tiên cá", còn người nước ngoài khi nhìn vào cô lại thấy hình ảnh của một "Cô gái Thép".
Sự nghiệp của Ánh Viên đã khép lại nhưng vẫn để lại nhiều tiếc nuối. Nhiều người đã nghĩ rằng nếu cô chỉ tập trung rèn luyện các nội dung sở trường như 400m hỗn hợp hay 400m tự do, liệu cô có nhiều cơ hội đoạt huy chương Olympic hơn không. Đến lúc này, câu trả lời vẫn chỉ dừng ở chữ "nếu".
Chỉ có một điều chắc chắn, là nếu không có những HC vàng của Ánh Viên, thể thao Việt Nam đã rơi một bậc trên bảng tổng sắp SEA Games 2017 và 2019, và bơi Việt Nam vẫn chưa thể vươn ra tầm châu lục hay thế giới.
Xuân Bình