Thủ tướng Bồ Đào Nha - Pedro Passos Coelho vừa tuyên bố đã tìm được cách duy trì ổn định trong Chính phủ liên minh với đảng CDS-PP để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất kể từ khi nhận cứu trợ năm 2011. Ông Coelho cho biết giải pháp sẽ gồm các cách "để bảo đảm sự ủng hộ chính trị của đảng CDS - PP với Chính phủ". Kết quả cuối cùng sẽ có sau các cuộc đàm phán sâu hơn trong vài ngày tới. Theo giới phân tích, CDS-PP sẽ có thêm nhiều người đảm nhiệm chức Bộ trưởng.
Bộ trưởng Tài chính Vitor Gaspar và Bộ trưởng Ngoại giao Paulo Portas thuộc đảng CDS-PP đã cùng từ chức trong tuần này. Động thái trên khiến Đảng Xã hội Dân chủ của Thủ tướng Ceolho có nguy cơ mất đa số ghế trong Quốc hội. Việc thực thi các biện pháp khắc khổ để đổi lấy gói cứu trợ 78 tỷ euro sẽ càng khó khăn. Khủng hoảng chính trị kéo dài cũng có thể dẫn đến bầu cử sớm trong vài tháng tới.
![Bo-Dao-Nha-1372996113_500x0.jpg](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2013/07/05/Bo-Dao-Nha-1372996113.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8YM92XWXs8EBikDA99iYCw)
Thị trường tài chính Bồ Đào Nha đã biến động mạnh sáng 3/7 khi tin Ngoại trưởng từ chức được công bố. Ngày 3/7, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Bồ Đào Nha tăng vọt lên hơn 8%, cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Chỉ số PSI 20 trên sàn chứng khoán Lisbon cũng giảm tới 5,3%. Sang ngày hôm sau, lãi suất trái phiếu chỉ còn 7,34% và PSI 20 cũng đóng cửa với mức tăng 3,7% khi hai đảng gần đạt thỏa thuận.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, dù kết quả thế nào, cuộc khủng hoảng vẫn sẽ khiến các thách thức cho Bồ Đào Nha thêm trầm trọng. Tỷ lệ thất nghiệp đang lên kỷ lục với gần 18% và nước này cũng đã bước vào năm suy thoái thứ ba.
Gaspar là người đứng sau kế hoạch cắt giảm chi tiêu và nâng thuế do các chủ nợ của Bồ Đào Nha yêu cầu để đổi lấy gói cứu trợ. Trong đơn xin từ chức hôm thứ Hai, ông cho biết nguyên nhân là các kế hoạch của mình không nhận được nhiều sự ủng hộ.
Portas cũng xin từ chức ngay hôm sau vì phản đối việc Chính phủ bổ nhiệm người vụ trách vấn đề Ngân khố - Maria Luis Albuquerque thay thế ông Gaspar.
Người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Bồ Đào Nha - Antonio Saraiva đang gây áp lực buộc Chính phủ tìm giải pháp nhanh chóng. Ông cũng cho biết các chủ nợ - Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cần cho Bồ Đào Nha thêm thời gian để đáp ứng mục tiêu ngân sách, theo yêu cầu của gói cứu trợ. Do việc thắt chặt ngày càng khiến người dân bất mãn.
Đại diện của EU và IMF dự kiến tới Bồ Đào Nha vào ngày 15/7 để kiểm tra tình hình kinh tế tại đây. Tuy nhiên, việc này có thể sẽ bị hoãn lại.
Thùy Linh (theo Reuters)