Bộ Ngoại giao Anh ngày 14/5 triệu đại sứ Trung Quốc Trịnh Trạch Quang để phản đối "kiểu hành vi gần đây" của Bắc Kinh chống lại London, trong đó có tấn công mạng và hoạt động gián điệp, "là không thể chấp nhận được".
Động thái diễn ra sau khi tòa án London hôm 13/5 truy tố Chi Leung (Peter) Wai, 38 tuổi, Matthew Trickett, 37 tuổi, và Chung Biu Yuen, 63 tuổi, với cáo buộc vi phạm Đạo luật An ninh Quốc gia khi đồng ý thu thập thông tin tình báo, do thám và thực hiện hành vi lừa dối.
Giới chức Anh cho rằng ba nghi phạm nhiều khả năng được cơ quan tình báo đặc khu Hong Kong của Trung Quốc đại lục hỗ trợ về vật chất để thực hiện hoạt động gián điệp và tấn công mạng từ 20/12/2023 đến ngày 2/5. Thông tin chi tiết về hành vi của ba người này chưa được công bố.
Trước khi bị bắt, Wai là sĩ quan Lực lượng Biên phòng Anh, Trickett làm việc trong cơ quan nhập cư của Bộ Nội vụ, từng phục vụ trong Thủy quân lục chiến Hoàng gia 6 năm. Yuen, còn được gọi là Billy Yuen, là cựu cảnh sát Hong Kong, hiện làm việc cho văn phòng thương mại Hong Kong có trụ sở tại London.
Trung Quốc bác cáo buộc cơ quan tình báo Hong Kong liên quan sự việc. Đại sứ quán Trung Quốc ngày 14/5 ra tuyên bố mô tả những cáo buộc của Anh là "vô căn cứ và vu khống".
Đại sứ quán cũng đã phản ánh với chính phủ Anh về "hành vi sai trái" của họ, trong đó có "những cáo buộc không xác đáng đối với chính quyền Hong Kong".
Một bức ảnh xuất hiện trên truyền thông và mạng xã hội cho thấy Trưởng đặc khu Hong Kong John Lee xuất hiện cùng Yuen năm 2002. Ông Lee nói trong cuộc họp báo ngày 14/5 rằng cả ông và Yuen đều có mặt trong bức ảnh chụp tại lễ tốt nghiệp ở Đại học Charles Stuart, Australia, song không quen biết nhau.
"Chính quyền Hong Kong cũng đã yêu cầu chính phủ Anh cung cấp thêm thông tin về các cáo buộc và đang chờ phản hồi từ họ", ông nói.
Những người bị cáo buộc chưa nhận tội và được tại ngoại đến ngày 24/5, khi phiên điều trần mới bắt đầu. Thẩm phán đã cấm họ xuất cảnh và phải báo cho cảnh sát các thiết bị được sử dụng để truy cập Internet.
Hong Kong từng thuộc sự cai quản của Anh suốt 156 năm, trước khi được trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Huyền Lê (Theo Reuters, BBC)