Một buổi chiều tan tầm, tôi chạy xe máy về nhà. Đến ngã tư, đèn tín hiệu chỉ còn vài giây là chuyển sang đỏ, tôi từ từ rà phanh dừng lại.
Từ phía sau, một người đàn ông suýt tông vào đuôi xe tôi. Chưa kịp định thần, tôi đã bị ông ta lườm cháy mặt, trách móc: "Sao không chạy luôn, làm lỡ chuyến đèn của người ta".
Câu chuyện ấy nhỏ thôi, nhưng lại là một mảnh ghép trong bức tranh giao thông đầy nghịch lý ở đô thị lớn. Mỗi ngày, chúng ta chứng kiến biết bao tình huống tương tự: chen lấn, vượt đèn đỏ, phi xe lên vỉa hè. Những hành vi thiếu ý thức đó không chỉ gây nguy hiểm mà còn phản ánh sự thiếu kiên nhẫn, ích kỷ của nhiều người tham gia giao thông.
Tôi từng thấy một cô gái bị tiếng còi tin tin dồn dập thúc ép chỉ vì đứng chắn đường một nhóm người leo vỉa hè để 'thoát tắc đường'. Họ ngụy biện rằng đi lên vỉa hè sẽ giảm kẹt xe. Nhưng thật ra, chính lối suy nghĩ "ai cũng phải nhường đường cho mình" đã khiến giao thông thêm hỗn loạn.
Không chỉ dừng lại ở những hành vi lấn chiếm, sự nóng nảy, bạo lực còn hiện diện đầy rẫy trên đường phố. Gần đây, các video lan truyền cảnh "các anh trai" hùng hổ lao vào đánh người chỉ vì va chạm nhỏ trên đường.
Những cú đấm, cú đá liên tiếp không phải để giải quyết vấn đề mà như cách họ trút giận. Và khi lên phường, đối diện với pháp luật, họ lại "say hối hận", mong được khoan hồng.
Vậy điều gì đã khiến những người đàn ông này, thay vì thể hiện bản lĩnh, lại chọn cách hành xử như vậy? Phải chăng, khí chất nam nhi đã bị đánh đổi bởi những áp lực, bức bối trong cuộc sống và môi trường xung quanh?
Một phần lý do nằm ở văn hóa giao thông. Những gì chúng ta nhìn thấy hàng ngày, từ chen lấn, tranh giành, cho đến bạo lực, không chỉ là hệ quả của việc thiếu giáo dục ý thức mà còn phản ánh lối sống nhếch nhác.
Văn hóa giao thông không nằm ở chuyện đi xe máy hay ôtô. Nó bắt nguồn từ ý thức, từ sự kiên nhẫn và lòng tôn trọng người khác.
Những "anh trai" hùng hổ trên đường cần nhìn lại: khí chất nam nhi đâu phải ở sức mạnh cơ bắp hay sự hung hãn, mà ở bản lĩnh kiềm chế, biết nghĩ cho người khác và hành xử có trách nhiệm.
Đường phố chỉ trở nên văn minh khi mỗi chúng ta học cách chấp hành luật lệ, nhường nhịn và kiên nhẫn. Sự thay đổi ấy không đến từ chiếc xe bạn đi, mà từ cách bạn cư xử, trên đường và cả trong cuộc sống hàng ngày.
Làm sao để ra đường dù bực dọc, cũng cố dằn lại "say hi" thay vì hung bạo rồi "say hối hận"?
- Ngày 16/12, Công an thành phố Đồng Xoài phối hợp Phòng CSGT tỉnh Bình Phước điều tra hành vi của những người liên quan. Theo đó, sau khi tránh ôtô bán tải trên đường, tài xế Nguyễn Văn Cường cho xe chở hàng dừng đèn đỏ thì bị thanh niên trênxe bán tải giật cửa, đánh tới tấp. - Khoảng 7h ngày 9/12, cô gái chạy xe máy trên đường Khánh Hội (quận 4), va chạm nhẹ với xe của Bùi Thanh Khoa (40 tuổi). Tuy không gây hư hỏng hay thương tích, Khoa dừng xe, lao đến đánh cô gái tới tấp, đá mạnh vào mặt khiến mũ bảo hiểm bật ra. Ông ta chỉ dừng lại khi bị tài xế xe 16 chỗ cảnh cáo, sau đó rời đi. Toàn bộ sự việc, kéo dài một phút, được camera hành trình ghi lại. Lúc bị khởi tố, tạm giam, người đàn ông 40 tuổi này tỏ ra hối hận, nhắn nhủ nhiều người "đừng như tôi". |
*Quan điểm của bạn thế nào?
Chia sẻ bài viết về địa chỉ email:bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.