Tôi rời bỏ quê hương vào năm tôi tròn 18 tuổi để đến với thành phố hoa lệ - Sài Gòn. Cuộc đời tôi dường như mở ra một trang mới vì tôi được xa nhà. Sài Gòn tháng 8, mưa ngâu. Tôi ngồi trong quán cafe quen thuộc, nghe một điệu nhạc cũ và nhâm nhi li cafe nóng. Bên kia đường, một người phụ nữ đang cố gắng dìu một người con trai - một người khuyết tật trên chiếc xe lăn vào cái ô che dưới gốc me. Hai người họ đứng cạnh nhau, chìa nhau xem những tờ vé số còn sót lại sau một ngày bán; họ thì thầm to nhỏ và nét mặt ánh lên nụ cười. Tôi nhìn họ hạnh phúc, bỗng dưng nước mắt tự lăn dài trên má; phải chăng tôi đã bỏ rơi cái gì trong suốt nhiều năm qua.
Phải chăng tôi đã bỏ rơi lại những kỷ niệm, những người thân thương của tôi vào một ngăn nào đó sâu thẳm nơi con tìm này và phải chăng tôi đã khóa chặt cánh cửa đó quá lâu. Tôi cầm điện thoại, run run mở danh bạ và nhấn vào số "Home". Tôi phát khóc khi bây giờ mới nhận ra mình thậm chí không thuộc số của ba mẹ.
"Alo, mẹ hả?"
"Sao vậy con, ai làm con khóc? Có chuyện gì nói mẹ nghe!".
"Ở nhà mẹ khỏe không?"
"Khỏe, anh mày mới đi viện về, nó bị ho, mấy nay cũng đỡ rồi. Trên đó coi chừng bệnh nha con".
"Dạ"
"Ừ, mẹ đi lấy cơm cho anh con ăn đã"
"À, lâu rồi con chưa về"
"Mẹ..."
....
Tút, tút.
....
Tôi bần thần ngồi nhìn ra bên kia đường, hai mẹ con người đó vẫn đang ngồi dưới cây dù. Người con co ro trên chiếc xe lăn còn người mẹ vẫn tranh thủ chìa tay ra mời người qua đường mua vé số, lâu lâu lại quay lại nhìn con xem có bị ướt không. "Anh mình, anh mình...", tôi vẫn thẩn thờ lặp lại từ đó trong miệng. Phải rồi, tôi còn một người anh trai.
Tôi đứng dậy trả tiền, lên xe và chạy thẳng ra bến xe, tôi vừa đi vừa khóc.
Suốt nhiều năm qua tôi đã quên mất người anh trai này, mỗi khi ai hỏi tôi cũng đều trả lời rằng nhà mình có 5 chị em gái, là "ngũ long công chúa". Nhiều khi tôi nói dối quá nhiều và nó đã trở thành thói quen khiến tôi quên mất đi mình có một anh trai - một siêu nhân như hồi nhỏ tôi vẫn nói. Anh tôi không cao to, không lực lưỡng; anh tôi rất gầy, người nhỏ, tay chân bị teo lại, anh tôi là người khuyết tật. Từ nhỏ tôi không biết tại sao anh tôi lại như vậy, khi lớn lên tôi mới biết đó là do những biến chứng chiến tranh của những năm tháng ba tôi đi lính và anh tôi là người phải gánh hết, một mình anh tôi mà không phải tất cả chị em tôi. Nhiều người nói do anh tôi một mình đã gánh hết những đau thương nên chị em tôi mới được lành lặn như ngày hôm nay.
![112348-1-1438825549-3182-1438998946.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/08/08/112348-1-1438825549-3182-1438998946.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=e4KSkJZ_7KCht9c8ceWeAg)
Anh tôi không nói được, không đi được nhưng lại rất thông minh. Anh tôi biết làm tất cả các trò chơi mà một người anh trai bình thường có thể làm cho tôi như diều, cây ná, hay thụt. Anh tôi bò đi khắp nhà, ú ớ nhiều cái không ai hiểu. Tay, chân và mông anh tôi đầy những vết chai mà đôi khi mẹ tôi nói đùa nó như đít khỉ. Đối với nhiều người anh trai tôi là người khuyết tật, ngay cả vệ sinh cá nhân anh cũng không thể làm nhưng đối với tôi anh là siêu nhân. Anh có thể ngồi gỡ từng hạt bắp bằng đôi tay siêu vẹo, cái đôi tay không thể cầm nổi cái muỗng ăn cơm; anh có thể cầm cái bào và bào những củ mì dính dầy mũ. Anh có thể làm tất cả. Người khuyết tật chỉ khuyết tật trong mắt xã hội nhưng đối với gia đình họ là những siêu anh hùng.
Tôi khóc ròng trên đường đi, nhiều người qua lại nhìn tôi bởi họ không biết đó là nước mắt hay nước mưa. Đối với tôi đó là sự hối hận. Tôi đã đánh rơi nhiều thứ, bỏ qua nhiều việc và rồi tôi biết hối hận không thể thay đổi gì chỉ có thể bù đắp lại. Tôi về đến nhà vào nửa đêm, thay vội bộ đồ rồi chạy đến bên anh tôi. Anh đã già đi nhiều, người nhỏ đi, chân teo lại và những vết chai sạn ở tay và khuỷu chân ngày càng nhiều và cứng hơn. Anh vẫn đó, vẫn vần trán rộng, vẫn đôi tay to khỏe, vẫn là anh trai tôi.
Kỳ Kỳ
Từ ngày 13/7 đến ngày 9/8, Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Đầu tư Phúc Khang Sen Việt L.A tổ chức cuộc thi "Trở về quê hương". Bài dự thi là những chia sẻ về cảm xúc, ký ức, kỷ niệm ngọt ngào về quê hương. Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ chọn ra 4 giải thưởng chung cuộc: một giải nhất (20 triệu đồng), một giải nhì (10 triệu đồng), một giải ba (5 triệu đồng) và một giải trị giá 5 triệu đồng do chính độc giả bình chọn. Độc giả gửi bài dự thi tại đây.