- Cuộc sống và công việc của chị ở đợt dịch thứ tư này ra sao?
- Tôi không dám đi đâu khỏi nhà, hàng ngày cập nhật tình hình dịch để bảo vệ bản thân. Đợt giãn cách xã hội năm ngoái, tôi có phần căng thẳng vì thu nhập giảm. Đợt này tôi không còn suy nghĩ lung tung vì bận rộn thử nghiệm một số công thức nấu nướng, trong đó có món kim chi yêu thích. Ban đầu, tôi làm ít, để phục vụ bản thân và gia đình, sau đó mang tặng bạn bè. Mọi người thấy ngon miệng nên yêu cầu tôi làm với số lượng lớn. Tôi ngại thu vài trăm nghìn đồng từ người quen nên nói biếu chứ không bán. Sau này, tôi lấy giá tượng trưng để họ bớt ngại, thoải mái ủng hộ và thưởng thức món tôi làm. Từ làm cho vui không ngờ giờ trở thành công việc có thêm thu nhập của tôi thời dịch.
Spa của tôi đóng cửa từ ngày 1/6 khi TP HCM thực hiện giãn cách xã hội. Doanh thu không có nhưng mỗi tháng tôi phải trả tiền mặt bằng, nhân viên khoảng 150 triệu đồng. Tôi chỉ còn cách rút tiền tiết kiệm riêng để chi trả mọi chi phí. Tôi thấy còn xoay xở được nên không quá lo lắng về tài chính.
- Công việc làm kim chi vất vả như thế nào?
- Năm 2007, tôi sang Hàn Quốc đóng phim Mười và được thử kim chi tại đây, ấn tượng với vị thanh ngọt của món ăn bản địa. Về Sài Gòn, tôi quyết tìm bằng được chỗ ngon để mua ăn. Nhưng tìm mãi không ra, tôi lên mạng học hỏi, nêm nếm nhiều lần mới có được khẩu vị vừa miệng.
Tôi tự làm mọi công đoạn từ việc trộn gia vị rồi đóng hộp. Ngày cao điểm, tôi nhận đơn hàng gần cả trăm kg, liên tục làm việc trong 10 tiếng. Tuân thủ khuyến cáo "5K" của chính quyền, tôi kỹ lưỡng đến mức xịt khuẩn toàn bộ túi nylon và thùng hàng chứa nguyên liệu. Khi nhận tiền từ khách, tôi cũng sát khuẩn từng tờ (cười). Có đợt tôi nhận làm 180 kg, không xuể nên tôi phải chuyển từng phần nguyên liệu về cho người quen phụ lột vỏ hoặc cắt gọt rồi gom lại nhà tôi để làm khâu ướp gia vị. Tôi cúi suốt nhiều giờ ngồi trộn kim chi nên đến cuối ngày lưng đau ê ẩm, lại thiếu ngủ, sụt hai kg.
- Lần đầu nhặt nhạnh những đồng tiền từ việc bán thức ăn, chị cảm thấy thế nào?
- Tôi vui khi lần đầu thấy số tiền vào tài khoản liên tục mà mỗi lần chỉ có 150 - 300 nghìn đồng. Tôi chia sẻ cảm xúc đó cho vài người thân, họ bảo nhìn con số ít vậy thôi chứ góp tiểu sẽ thành đại. Quả thật trong một tháng, tôi bán được một tấn kim chi, tính ra cũng là một số tiền rất lớn có thể kiếm được trong thời dịch. Tôi không ngờ việc bán món ăn này vừa giảm được áp lực chi trả tiền thuê mặt bằng khi spa đóng cửa vừa tạo công ăn việc làm cho người thân của tôi. Tôi có hai người bạn - người làm thợ hớt tóc, người là chuyên viên trang điểm - đều thất nghiệp vì Covid-19. Tôi đề nghị họ hỗ trợ tôi giao hàng đến khách, mỗi điểm kiếm khoảng vài chục nghìn đồng. Một ngày hơn chục đơn cũng có được số tiền kha khá. Họ rất mừng và ngược lại tôi thấy ấm áp trong lòng.
- Con trai đã lớn, giúp đỡ công việc cho mẹ ra sao?
- Thấy mẹ vất vả, con trai tôi - Tiểu Long, 14 tuổi - hỏi han mẹ xem có việc nào cần giúp đỡ. Tôi phân công cho con lột hành lá, gọt cà rốt, củ cải... và thấy vui khi có bạn nhỏ đồng hành trong căn bếp. Thi thoảng, Tiểu Long than mệt nhưng vẫn loay hoay cùng mẹ làm việc.
- Chị chăm sóc sức khỏe cho gia đình ra sao trong thời dịch?
- Tôi có chứng sợ dịch một cách thái quá. Tôi dặn dò con trai không được tiếp xúc với ai trong thời gian giãn cách xã hội. Một ngày hai mẹ con rửa tay, xịt khuẩn gần chục lần. Mỗi sáng uống nước ấm pha chanh với mật ong để tăng sức đề kháng. Người thân ở gần nhà nhưng tôi cũng không dám tiếp xúc, chỉ gọi điện hỏi han và dặn dò mọi người ăn uống đầy đủ, tập thể dục, giữ sức khỏe thời dịch.
- Chị chi tiêu như thế nào khi thực hiện giãn cách xã hội?
- Ngày trước tôi rất nghiện mua sắm quần áo, giày dép, túi xách. Cứ lúc nào có thời gian rảnh rỗi, tôi lại lên các ứng dụng mua sắm trong nước lẫn nước ngoài để đặt hàng. Một tháng, tôi tốn mấy chục triệu đồng cho việc mua đồ, có những bộ chưa mặc, hoặc diện một lần liền cất vào kho. Bây giờ, tôi làm kim chi bận tối mặt nên không còn thời gian để lướt các trang mua sắm online. Xong việc, tôi chỉ muốn được đặt lưng xuống giường, chợp mắt. Giờ đây, tôi lại thấy tiếc số tiền mua sắm lúc trước. Tôi cũng chỉ xài tiền vào việc đi chợ hàng ngày. Ngay cả, hai người bạn giao đơn hàng cho tôi cũng biết tiết kiệm. Họ chạy ngoài đường, nóng và khát, muốn uống một ly trà sữa trân châu nhưng khi nghĩ đến số tiền mua bằng công đưa kim chi ở hai, ba địa điểm nên đổi sang nước lọc (cười).
- Niềm vui hiện tại của chị là gì?
- Đó là khi tôi nhận được những tin nhắn khách hàng khen ngợi món tôi làm. Bạn bè liên tục động viên tôi mở đại lý, không được bỏ giữa chừng bởi tôi định khi dịch ổn định sẽ tập trung kinh doanh lĩnh vực làm đẹp.
Ngoài công việc, chuyện tình cảm của tôi cũng vui vẻ, giúp tôi thấy cuộc sống mình thêm trọn vẹn. Mối quan hệ của tôi và bạn trai cũng chỉ trong giai đoạn hẹn hò, khi nào có một quyết định chắc chắn, tôi sẽ khoe.
- Chị đặt ra những tiêu chí gì khi tìm kiếm người đàn ông của đời mình?
- Người đàn ông đó nhất định phải mang lại cho tôi một cảm xúc mạnh mẽ. Điều quan trọng cả hai phải đồng quan điểm, thông hiểu nhau, có chung một tần số. Với tôi, có con trai ở bên là quá đủ niềm vui và hạnh phúc. Còn về chuyện kinh tế, tôi vốn là người mẹ đơn thân tự chủ tài chính nhiều năm nay. Tôi không gặp khó khăn gì trong việc nuôi con trai hay lo cho bản thân. Tôi chưa bao giờ lấy tiêu chí tiền tài, địa vị xã hội để chọn người bạn đời cho mình, bởi những thứ đó không có sự đảm bảo chắc chắn nào cho mối quan hệ bền lâu.
Ý kiến của con trai cũng ảnh hưởng đến quyết định của tôi trong chuyện tình cảm. Ai quen tôi phải "qua cửa" Tiểu Long, chiếm được tình cảm của cậu nhóc. Lúc nhỏ, con trai tôi không chịu để mẹ quen người khác nhưng khi lớn lại rất ủng hộ cuộc sống mới của bố mẹ. Khi chồng cũ tôi kết hôn, Tiểu Long nói với tôi "Bố lấy vợ rồi, mẹ cũng có người yêu đi cho vui".
- Chị có kế hoạch gì cho công việc sắp tới?
- Trước dịch, tôi nhận vai chính trong một dự án phim truyền hình dài 80 tập. Nhiều năm rồi tôi mới quay lại đóng phim. Lúc trước, một số đơn vị gởi kịch bản nhưng tôi từ chối vì bận rộn kinh doanh hoặc nhân vật không đủ sức hấp dẫn để tôi đóng. Lần này, tôi thích thú với tâm lý nhân vật khi đọc kịch bản. Tôi bàn bạc với đối tác kinh doanh, cũng như nhân viên về việc trở lại đóng phim, rất may được họ ủng hộ.
Tâm Giao