Động thái này được Anh đưa ra sau khi nước này gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tuần trước. Theo đó, Anh sẽ không áp dụng các quy định bất lợi với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong trường hợp phải điều tra phòng vệ thương mại.
Nền kinh tế thị trường là khái niệm được một số nước sử dụng khi điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa nhập khẩu. Việc xác định một nước có nền kinh tế thị trường hay không thường dựa trên đánh giá về mức độ can thiệp, kiểm soát của Nhà nước với hoạt động kinh doanh, vốn, lao động của doanh nghiệp.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, nước nhập khẩu sẽ sử dụng thông tin về chi phí và giá thành của chính doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để tính biên độ phá giá nếu coi nước xuất khẩu là nền kinh tế thị trường. Ngược lại, họ sẽ dùng thông tin của doanh nghiệp nước thứ ba (được coi là kinh tế thị trường) để thay thế. Hệ quả là biên độ phá giá thường được xác định cao hơn, dẫn đến mức thuế phòng vệ thương mại phải chịu cao, thậm chí lên đến 100%.
"Khi được công nhận là nền kinh tế thị trường, hàng Việt xuất khẩu được đối xử công bằng, có điều kiện thâm nhập, mở rộng thị trường; sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp ổn định hơn; góp phần thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy kinh tế", Cục Phòng vệ thương mại nhận xét.
Hiện, 71 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường thông qua các hình thức khác nhau.
Tuần trước, Anh trở thành nền kinh tế thứ 12 gia nhập CPTPP, hiệp định thương mại lớn nhất của nước này kể từ sau Brexit. Chính phủ Anh ước tính hiệp định này sẽ giúp họ giảm thuế nhập khẩu ôtô, rượu và sản phẩm từ sữa. GDP Anh sẽ tăng thêm 1,8 tỷ bảng (2,2 tỷ USD) mỗi năm trong dài hạn. Con số này có thể tăng thêm nếu nhiều nước gia nhập hơn nữa.
Hàng Việt sang Anh còn được hưởng lợi thế thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKFTA). Năm ngoái, kim ngạch hàng Việt xuất khẩu sang Anh đạt 5,2 tỷ USD, tăng 9,5% so với trước đó.