Ngày 12/1, cơ quan thống kê chính phủ cho biết năm vừa rồi Anh ghi nhận hơn nửa triệu ca tử vong, nhiều nhất trong một thế kỷ qua, vượt cả số người thiệt mạng trong đại dịch cúm năm 1918. Hơn 90.000 người thiệt mạng ngoài dự tính, là con số cao nhất kể từ Thế chiến Thứ hai.
Dù vậy, nhà chức trách cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Đợt bùng phát gần đây khiến số trường hợp nhập viện và ca tử vong tăng lên.
Biến thể mới, dễ lây lan hơn của nCoV xâm nhập nước Anh. Ước tính cứ 30 người London thì một người nhiễm virus. Các bệnh viện sắp quá tải dù chính phủ đã cảnh báo người dân về tình hình cấp bách.
Thủ tướng Boris Johnson đã họp với nội các hôm 12/1 để thảo luận về việc siết chặt lệnh hạn chế. Các quán rượu, nhà hàng và điểm bán lẻ phải đóng cửa. Trường học vẫn chưa hoạt động trở lại và các cuộc tụ họp đông người bị cấm. Người dân được yêu cầu chỉ ra khỏi nhà để mua sắm nhu yếu phẩm và tập thể dục.
Cảnh sát cho biết đã xử phạt tới 45.000 người, con số dự kiến tăng trong thời gian tới. Các siêu thị được kêu gọi xử lý những khách không đeo khẩu trang khi đi mua sắm, song nhiều người vẫn phớt lờ quy định.
Martin Hewitt, Hội đồng Cảnh sát trưởng Quốc gia, cho biết cơ quan sẽ không ngần ngại xử phạt họ vì gây nguy hại đến an ninh sức khỏe quốc gia.
Anh ghi nhận tín hiệu tích cực gần đây. Sau khi tăng mạnh trong nhiều tuần, số ca nhiễm nCoV bắt đầu giảm xuống. Ngày 12/1, nước này báo cáo 45.000 trường hợp dương tính, ít hơn đáng kể so với mức kỷ lục 80.000 gần đây.
Tuy nhiên, giới chức cảnh báo hệ quả của kỳ nghỉ Giáng sinh vẫn chưa lộ rõ. Khi số người nhập viện gia tăng, cuộc khủng hoảng tại các cơ sở y tế sẽ ngày một nghiêm trọng.
"Những tuần tới sẽ là thời gian tồi tệ nhất của đại dịch, nếu xét về số ca nhập viện", giám đốc cơ quan y tế Anh, Chris Whitty, cho biết hôm 11/1.
Khoảng 35.000 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị, cao hơn nhiều so với 14.000 hồi mùa xuân năm ngoái. Ngay cả khi tỷ lệ lây nhiễm chậm lại, đến ngày 19/1, bệnh viện ở London có thể thiếu 2.000 giường, theo dữ liệu của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS).
Theo thông tin chính phủ, tính đến ngày 8/1, hơn 3.000 bệnh nhân phải thở máy. Một số bệnh viện dựng nhà xác tạm thời sau khi nhà tang lễ hết chỗ. Số người chết dự kiến sẽ tăng đều trong những tuần tới.
Các xe cứu thương chạy đua khắp London trong nhiều ngày để tìm kiếm giường cho bệnh nhân Covid-19 ốm yếu tuyệt vọng. Giờ đây, nhân viên y tế đã kiệt sức. Hàng trăm cảnh sát và lính cứu hỏa được điều động thế chỗ họ, giữ cho dịch vụ cấp cứu hoạt động.
Nhân viên chăm sóc sức khỏe vật lộn để đối phó với lượng bệnh nhân gia tăng. Cùng lúc, họ được yêu cầu hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng tham vọng nhất lịch sử quốc gia.
Jeremy Hunt, chủ tịch Ủy ban Lựa chọn Y tế Quốc hội, nhận định hệ thống y tế được ca tụng khắp đất nước đang trên bờ vực sụp đổ.
Bên cạnh thiếu giường bệnh, Anh cũng không đủ y bác sĩ được đào tạo để điều trị người mắc Covid-19. Ban lãnh đạo bệnh viện cho biết họ phải tiếp nhận một lúc nhiều bệnh nhân, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc.
Thất bại của chính phủ khi ngăn chặn biến thể lây lan đặt ra câu hỏi liệu có nên siết thêm hạn chế di chuyển. Song thành công của các lệnh đó phụ thuộc nhiều vào hành vi người dân.
"Hầu hết họ đang làm đúng quy định để tự đảm bảo an toàn, nhưng đáng buồn là một số ít tiếp tục phớt lờ nguyên tắc. Họ tụ tập trong nhà, gặp nhau dưới tầng hầm để chơi bài hoặc đột nhập vào hầm đường sắt và tổ chức tiệc trái phép", Cressida Dick, ủy viên Sở Cảnh sát Thủ đô, cho biết.
Lo ngại về các cụm dịch trong siêu thị, nhà chức trách kêu gọi thực hiện đeo khẩu trang nghiêm ngặt hơn. Đến nay, thói quen này vẫn chưa phổ biến. Người dân không bắt buộc đeo khẩu trang ở trong nhà lẫn ngoài trời.
Các chuỗi cửa hàng lớn cam kết phòng ngừa nghiêm túc, phát khẩu trang cho khách tại cửa ra vào. Song ngày 12/1, báo chí Anh vẫn tràn ngập hình ảnh những người coi thường luật lệ.
Đại dịch ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế. Hiệp hội Bán lẻ báo cáo 2020 là năm tồi tệ nhất đối với toàn ngành.
Khủng hoảng y tế và kinh tế leo thang nhấn mạnh tính cấp bách của chiến dịch tiêm chủng, vốn đang có tốc độ ổn định. Giới chức lạc quan sẽ đạt được mục tiêu tiêm liều vaccine đầu tiên cho ít nhất 15 triệu người trên 70 tuổi và nhóm có nguy có cao nhiễm virus trước ngày 15/2.
Đến nay, hơn 2,4 người đã chủng ngừa, trong đó hơn 380.000 người đã tiêm cả hai liều.
Stephen Powis, giám đốc Dịch vụ Y tế Quốc gia, cho biết chương trình tiêm chủng sẽ giúp làm giảm số ca nhập viện.
"Nhưng nó sẽ không xảy ra luôn. Phải đến tháng 3, chúng ta mới thấy các dấu hiệu đầu tiên. Vaccine đem lại hy vọng, nhưng để chống lại virus ngay hôm nay, chúng ta vẫn phải lập tức tuân thủ các hướng dẫn sức khỏe".
Thục Linh (Theo NY Times)