Quyết định do Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh (MHRA) đưa ra ngày 15/8, dựa trên thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm cho thấy vaccine khi sử dụng làm liều tăng cường có thể kích hoạt "phản ứng miễn dịch mạnh mẽ", chống lại cả Omicron (biến chủng BA.1) và virus gốc năm 2020. Đây được gọi là loại vaccine "hai giá trị" và là vaccine Covid-19 đầu tiên được phê duyệt "đặc hiệu" với biến chủng Omicron.
MHRA cũng trích dẫn một phân tích cho thấy vaccine tạo phản ứng miễn dịch tốt trước các biến chủng phụ khác của Omicron như BA.4 và BA.5.
"Thế hệ vaccine Covid-19 đang được sử dụng ở Anh vẫn tiếp tục bảo vệ mạnh mẽ, chống lại virus và cứu sống nhiều người. Vaccine hai giá trị mới là công cụ sắc bén, bổ sung vào kho vũ khí, giúp chúng tôi bảo vệ người dân khi virus tiếp tục phát triển", giám đốc MHRA, June Raine, cho biết.
Theo Peter Piot, cựu Giám đốc Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, trong cuộc họp để đánh giá loại vaccine thích hợp, các chuyên gia châu Âu chấp thuận tiêm thêm hai liều vaccine mới để ngăn ngừa Omicron. Họ cho rằng "điều quan trọng là phải tiêm phòng đủ sớm trước khi làn sóng lây nhiễm kéo đến", thay vì hành động khi dịch đã đạt đỉnh như trước đây. "Thành thật mà nói, nếu tiêm vaccine vào thời kỳ cao điểm, mọi thứ sẽ quá muộn", tiến sĩ Piot nhận định.
Trong nghiên cứu lâm sàng, các chuyên gia đã xét nghiệm mẫu máu của các tình nguyện viên để quan sát mức độ hiệu quả của vaccine trước biến chủng BA.1 và những biến chủng phụ khác.
Đại diện Moderna cho biết các mũi tiêm làm tăng mức độ kháng thể chống lại tất cả biến chủng đang được quan tâm so với vaccine ban đầu. Ngoài ra, nó kích thích phản ứng kháng thể trung hòa mạnh mẽ đối với BA.4 và BA.5.
Sau Anh, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu dự kiến phê duyệt vaccine vào cuối tháng 8 để kịp thời triển khai chương trình tiêm chủng tăng cường trên khắp EU kể từ tháng 9. Tuy nhiên, vaccine có thể không được chấp thuận sử dụng ở Mỹ, vì nhà chức trách đã yêu cầu một loại vaccine ngăn ngừa được các biến chủng phụ mới nhất là BA.4 và BA.5. Trong khi Anh và châu Âu đang tìm cách bảo vệ người dân nhanh chóng trước khi mùa đông đến, virus có khả năng lưu hành mạnh mẽ hơn, Mỹ lựa chọn chờ đợi các công ty phát triển loại vaccine khác. Đây là canh bạc mà ngay cả các chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu cũng chưa biết kết quả.
Chính phủ Nhật Bản cũng dự kiến triển khai loại vaccine Covid-19 mới, đặc hiệu ngăn ngừa biến chủng phụ BA.5 của Omicron, vào đầu tháng 10. Vaccine sẽ được cung cấp vaccine cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền, có nguy gặp các triệu chứng nghiêm trọng sau khi mắc Covid-19. Người trẻ hơn cũng có thể tiêm chủng, tùy thuộc vào mức độ hiệu quả của vaccine.
Sau một thời gian ngắn tạm lắng, kể từ tháng 7, dịch Covid-19 nóng lên trở lại tại nhiều nơi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, dịch bệnh bùng phát mạnh ở khu vực Tây Thái Bình Dương và châu Âu. Dịch tái bùng phát chủ yếu do hai biến chủng phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 lây lan nhanh chóng. Biến chủng có khả năng liên kết với tế bào tốt, trốn tránh được miễn dịch nên dễ dàng chiếm ưu thế toàn cầu. Dù vậy, chúng dường như không gây triệu chứng nghiêm trọng, số ca nhập viện và tử vong không tăng mạnh.
Thế giới đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thừa vaccine Covid-19, do dịch tạm lắng nên nhiều người chủ quan không tiêm mũi nhắc lại. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đang thúc giục tăng tốc độ tiêm vaccine mũi nhắc lại. Tính đến ngày 15/8, cả nước đã tiêm tổng cộng hơn 251 triệu liều vaccine Covid-19. Đến ngày 10/8, toàn bộ nhóm 12-17 tuổi tiêm đủ hai liều cơ bản, hơn 40% đã tiêm mũi ba; nhóm 5-11 tuổi tiêm mũi một đạt gần 73% và mũi hai đạt hơn 41%.
Thục Linh (Theo Reuters, Politico)