"Tình trạng thiếu đạn pháo của Nga trong những tuần qua có thể trở nên tồi tệ đến mức họ áp dụng cơ chế phân bổ đạn pháo theo hạn mức ở nhiều nơi trên tiền tuyến", Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong báo cáo ngày 14/3.
Cơ quan này cho rằng thiếu đạn pháo là nguyên nhân khiến các cánh quân của Nga "gần đây không thể mở đợt tiến công nào mang ý nghĩa về mặt tác chiến". Nga có thể mở kho vũ khí cũ, vốn được phân loại không phù hợp cho tác chiến, để chuyển cho các đơn vị tiền tuyến.
Nga chưa bình luận về nhận định của Bộ Quốc phòng Anh.
Nga và Ukraine đều không kiểm soát bầu trời, do đó chiến sự chủ yếu định hình bằng pháo binh. Ủy ban châu Âu ước tính trung bình mỗi ngày lực lượng Nga bắn 40.000 - 50.000 quả đạn pháo, trong khi Ukraine khai hỏa 5.000 - 6.000 quả.
Nga gần đây tăng cường pháo kích Bakhmut để cô lập các binh sĩ Ukraine cố thủ trong thành phố. Khi không vượt qua được phòng tuyến của Ukraine, các đơn vị bộ binh Nga rút lui rồi gọi pháo binh và không quân tập kích đối phương.
Tuy nhiên, Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tập đoàn quân sự tư nhân Nga Wagner, hồi cuối tháng 2 nói các đơn vị của ông thiệt hại nhân sự gấp 5 lần vì thiếu đạn. Ông Prigozhin cảnh báo "toàn bộ mặt trận sẽ sụp đổ" nếu lính Wagner phải rút khỏi Bakhmut vì thiếu đạn, sau đó cho biết tình trạng chưa được cải thiện dù Bộ Quốc phòng Nga đã hứa giải quyết.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận Ukraine đang sử dụng lượng lớn đạn dược, vượt xa năng lực sản xuất hiện tại và làm cạn kiệt kho dự trữ của liên minh. Ông Stoltenberg cũng cho biết NATO đang đối mặt tình trạng thời gian chờ nhận hàng đối với đạn vũ khí cỡ nòng lớn kéo dài từ 12 lên 28 tháng.
Không quốc gia thành viên NATO nào ngoài Mỹ có kho vũ khí lớn cho trận đấu pháo quy mô lớn như chiến sự Nga - Ukraine, cũng như không có năng lực công nghiệp đủ để tạo nguồn dự trữ lớn như vậy. Một số chuyên gia cảnh báo ngay cả khi chiến sự Nga - Ukraine kết thúc sớm, châu Âu cần tới 15 năm để bổ sung kho dự trữ vũ khí với tốc độ hiện tại.
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)