Nghiên cứu của bệnh viện Addenbrooke, một trung tâm nghiên cứu và giảng dạy y khoa nổi tiếng của Anh tại Cambridge, cho thấy nâng cấp loại khẩu trang mà nhân viên ở khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 sử dụng giúp giảm đáng kể tới 100% số ca phơi nhiễm nCoV đối với nhân viên bệnh viện.
Bệnh viện đã nâng từ loại khẩu trang y tế chống thấm FRSM sang khẩu trang hô hấp 3 lớp FFP3 từ cuối tháng 12/2020 để thử nghiệm.
Cơ quan y tế công cộng Anh (PHE) gần đây vẫn khuyến cáo nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nên sử dụng khẩu trang FRSM làm thiết bị bảo vệ đường hô hấp. PHE khuyến cáo sử dụng FFP3 nếu đang thực hiện quy trình tạo khí dung như đưa ống thở vào khí quản bệnh nhân.
Hướng dẫn của PHE đã được cập nhật để bắt buộc các tổ chức thuộc hệ thống bệnh viện công (NHS) của Anh đánh giá rủi ro Covid-19 cho nhân viên và cung cấp khẩu trang FFP3 phù hợp.
Addenbrooke bắt đầu xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên từ khi đại dịch bắt đầu, tiến hành với cả nhân viên không có triệu chứng. Xét nghiệm chỉ ra nhân viên y tế khu vực chăm sóc bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ lây nhiễm cao hơn khu vực không điều trị bệnh nhân COvid-19, dù có sử dụng thiết bị bảo vệ đường hô hấp theo khuyến nghị.
Do đó, ban chống nhiễm khuẩn của bệnh viện đã nâng cấp loại khẩu trang dùng cho nhân viên khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19. Sau khi thay đổi, tỷ lệ lây nhiễm ở cả hai khu vực là tương đương. Nghiên cứu vẫn chưa được đánh giá, nhưng công bố sớm vì nhu cầu chia sẻ thông tin cấp thiết liên quan tới đại dịch.
Tiến sĩ Chris Illingworth, ban Thống kê Sinh học MRC thuộc Đại học Cambridge, cho hay "sau khi đưa vào sử dụng khẩu trang FFP3, số lượng phơi nhiễm tại khu vực điều trị Covid-19 giảm đáng kể, thực tế, mô hình của chúng tôi cho thấy FFFP3 có thể loại bỏ số ca lây nhiễm ở khu vực điều trị Covid-19 xuống còn 0".
Lời kêu gọi sử dụng khẩu trang hữu hiệu hơn đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm nCoV trong bệnh viện có thể tiếp tục gây thách thức dù nhân viên y tế đã được tiêm vaccine, sau khi một nghiên cứu phát hiện biến chủng Delta bùng lên trong đội ngũ nhân viên y tế ở ba bệnh viện tại Ấn Độ trong 4 tuần tháng 4 năm nay, dù nhiều người đã tiêm đủ hai mũi vaccine.
Nghiên cứu cho thấy tại một bệnh viện, 30 trong số 3.800 nhân viên y tế nhiễm nCoV có triệu chứng, đa số nhiễm biến chủng Delta, 11 người rõ ràng liên quan tới một sự kiện "siêu lây nhiễm".
Ở bệnh viện thứ hai có 4.000 nhân viên y tế, xuất hiện 118 ca nhiễm có triệu chứng còn tại bệnh viện thứ ba, nơi có 1.100 nhân viên y tế, xuất hiện 70 ca nhiễm có triệu chứng. Đa số đều liên quan tới biến chủng Delta. Nghiên cứu cho biết thêm các cụm gồm hơn hai cá thể nhiễm bệnh đều phát hiện biến chủng Delta.
"Dữ liệu mà chúng tôi trình bày về cơ bản phù hợp với người đã tiêm chủng sau đó lây cho người khác", giáo sư Ravi Gupta, đại học Cambridge, đồng tác giả nghiên cứu, nói.
"Trong khi vaccine bảo vệ người khỏe mạnh chống lại bệnh nặng trong cộng đồng, biến chủng Delta làm tăng khả năng mắc bệnh nặng tại bệnh viện, nơi có nhiều bệnh nhân dễ bị tổn thương".
Nhóm nghiên cứu cho hay phát hiện của họ nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng trong thời kỳ hậu tiêm chủng.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)