Thủ tướng Tony Blair, phu nhân Cherie Blair và Tổng thống Mỹ George W Bush ở Nhà Trắng. |
Một lễ tiếp đón trọng thể: Các thành viên Quốc hội Mỹ đứng dậy đón chào Thủ tướng Anh bằng những tràng pháo tay. Nhưng đằng sau những nghi thức ngoại giao, không phải tất thảy đều thuận buồm xuôi gió. Quan hệ giữa Anh và Mỹ gần đây đã gặp trắc trở, khi vinh quang dần nhường đường cho những lo âu thời hậu chiến. Hai nhà lãnh đạo đều phải đối mặt đối với những nghi vấn xung quanh thông tin mà họ sử dụng để biện hộ cho cuộc chiến Iraq. Blair, vừa thoát khỏi cuộc điều tra của uỷ ban Hạ viện, thì cả ông lẫn Tổng thống Mỹ đã vướng vào cuộc tranh cãi xung quanh lời phát biểu của ông Bush trong Thông điệp liên bang, rằng Iraq từng tìm cách mua uranium ở châu Phi để làm bom hạt nhân.
Có lẽ vì vậy mà giờ đây, Thủ tướng Anh thay đổi cách biện luận của mình. Ông tuyên bố cho dù không chứng minh được có sự liên quan giữa vũ khí phá huỷ hàng loạt và khủng bố, việc lật đổ một kẻ độc tài tàn bạo vẫn là đúng đắn. Blair không còn dẫn câu nói quen thuộc là sẽ tìm thấy vũ khí phá huỷ hàng loạt trên đất Iraq. Dường như ông đang dọn đường, chuẩn bị cho lối giải thích mới về cuộc chiến trong tương lai.
Cả hai nhà lãnh đạo đều hiểu rõ lòng tin của dân chúng đang sụt giảm. Ở Mỹ, hiện tượng binh lính Mỹ bị tấn công hằng ngày khiến mức ủng hộ dành cho ông Bush giảm xuống từ 67% hồi tháng trước xuống còn 59% (dĩ nhiên vẫn còn rất cao) tháng này, theo kết quả thăm dò trên Washington Post/ABC News. Nhưng mặt khác, hầu hết người Mỹ vẫn tin rằng ông Bush tiến hành chiến tranh là hợp lẽ. Một sự đối lập so với ở nước Anh, nơi 2/3 số người - được tờ Daily Mirror (một tờ báo phản chiến) hỏi ý kiến - tuyên bố ông Blair đã lừa dối họ về mối đe doạ Iraq. Vị thế của Thủ tướng Blair lung lay hơn Tổng thống Bush, vì khác với người Mỹ, dân Anh nói chung không ủng hộ cuộc chiến. Một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh hồi tháng 2 ở London thu hút tới hơn 1 triệu người tham gia.
Tuần này ở Washington, Blair sẽ tạm thời thoát khỏi vinh dự được Quốc hội Mỹ trao tặng một huân chương bằng vàng (các nhà lập pháp bỏ phiếu cho việc này để chứng minh họ đánh giá cao thái độ ủng hộ trước sau như một của ông). Các tờ báo Anh suy đoán Tổng thống Bush hoãn lại buổi lễ vì lo sợ dư luận ở xứ sở sương mù sẽ không hài lòng. Nhiều người dân lo rằng thủ tướng của họ quá trung thành với Tổng thống Bush, khi mà bản thân dân chúng Anh - cũng như châu Âu nói chung - vốn chẳng ưa gì ông này. (Chẳng hạn có lần Blair hỏi người phụ trách báo chí của mình Alastair Campbell về việc nên mở đầu một bài phát biểu về Iraq như thế nào. Ông Campbell nói đùa: “Kính gửi nhân dân Mỹ của tôi!”). Người Anh cảm thấy bị nước Mỹ coi thường. Những lời bình luận trước chiến tranh của Donald Rumsfeld khiến dân chúng nơi đây rất tức giận: Vị bộ trưởng Quốc phòng không ưa ăn nói vòng vo của Mỹ từng tuyên bố rằng Mỹ vẫn sẽ làm nên chuyện ở Iraq ngay cả khi Anh không góp quân.
Liệu ông Blair có chút ảnh hưởng nào ở Washington? Câu trả lời sẽ tuỳ thuộc vào việc liệu ông có thể thuyết phục được Bush trao lại hai công dân Anh bị giam giữ ở vịnh Guantanamo vì tình nghi khủng bố hay không. Mỹ đang chuẩn bị toà án binh để xét xử 6 tù nhân nước ngoài, trong đó có 2 người Anh này. Họ bị bắt trong các trận chiến ở Afghanistan. Toà án kiểu này khiến châu Âu tức giận, vì những người chịu xét xử có rất ít quyền. Ngoài ra, họ có thể lãnh án tử hình nếu bị kết tội. Trong khi đó, John Walker Lindh, nhân vật Taliban người Mỹ, lại được xử ở một toà án Mỹ thông thường. Ông Blair sẽ đề nghị Tổng thống Bush cho hồi hương 2 tù nhân Anh để toà án Anh tự ra phán quyết. Nếu sứ mệnh này thất bại, nhiều người trong nước sẽ kết luận rằng Thủ tướng Anh có rất ít ảnh hưởng đối với nước Mỹ. Một mối quan hệ bất bình đẳng phỏng có ích lợi gì?
Tuy nhiên, cho dù London có nhiều điều không bằng lòng với chính quyền Bush, Blair không có ý định từ bỏ chính sách đứng giữa Mỹ và châu Âu của mình - mặc dù kể từ khi chiến tranh kết thúc, cả hai bên đều ít nhờ cậy đến ông hơn. Mối quan hệ giữa Thủ tướng Anh và Tổng thống Mỹ, bắt rễ từ nỗi đau chung sau sự kiện 11/9 và quyết tâm tiễu trừ khủng bố, sẽ không dễ dàng sứt mẻ. Washington cũng cần sự hợp tác của London, phần để tránh bị đơn độc (Anh có 12.000 quân ở Iraq, nhiều hơn bất cứ đồng minh nào của Mỹ), phần vì cần đến tài ngoại giao của ông Blair tại các nước khác trên thế giới.
Bush sẽ thường xuyên được nhắc nhở rằng người bạn của ông đang phải đương đầu với dư luận nghiệt ngã ở quê nhà, một dư luận muốn Mỹ phải bày tỏ thiện chí trong những vấn đề không liên quan đến chuyện chinh phục quân sự nơi đất khách.
Minh Châu (theo Economist, BBC)