Các bức ảnh này chụp vào tháng ngày 12/12/2014, cho thấy hoạt động bồi đắp của Trung Quốc đã gia tăng so với những bức được nhóm phân tích an ninh IHS Jane's công bố hồi tháng 11. Các chuyên gia quân sự thế giới cho rằng việc bồi đắp này nhằm tạo điều kiện cho không quân Trung Quốc có mặt tại khu vực, nơi vốn đã có rất nhiều tàu của nước này.
Những hình ảnh do Rappler thu thập cho thấy sự hiện diện của tàu hút bùn, tàu chở hàng và tàu đánh cá tại bãi đá Chữ Thập. Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách chính sách của Philippines, Evan Garcia, hôm 21/1 nói về những hình ảnh thu được về dự án cải tạo và lo ngại về quy mô của các công trình.
"Hoạt động cải tạo đồ sộ của Trung Quốc ở Biển Đông rõ ràng vi phạm những thỏa thuận của chúng ta trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Điều này không ích gì trong việc tìm giải pháp", Garcia cho biết trong một cuộc họp báo hôm 21/1, sau cuộc Đối thoại Chiến lược Song phương hàng năm lần thứ 5 (BSD) giữa Philippines và Mỹ. DOC, được ký kết năm 2002 nêu rõ các bên không được có hành động làm thay đổi hiện trạng và gây căng thẳng trong khu vực có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino hôm 21/1 trích dẫn báo cáo tình báo về hoạt động của Trung Quốc tại bãi đá Chữ Thập cho biết "Trung Quốc đã gia tăng hoạt động kể từ lần cuối cùng chúng ta tổ chức BSD".
"Chúng tôi rất lo ngại về vấn đề này. Nó rất nghiêm trọng", ông nói.
Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines, Gregorio Catapang Jr, hồi đầu tháng ước tính hoạt động cải tạo của Trung Quốc đã "hoàn thành 50%". Ông bày tỏ lo ngại rằng bãi đá có thể được sử dụng cho "mục đích khác với hoà bình".
"Đúng là Trung Quốc đang tiến hành nhiều dự án cải tạo đất ở bãi cát và bãi đá ngầm ở các khu vực nhạy cảm, nơi có tranh chấp chủ quyền" ở Biển Đông, trợ lý Ngoại trưởng Đông Á và Thái Bình Dương Mỹ Daniel Russel cho biết khi đến Manila tham dự BSD.
Ông nói thêm "đây là mối lo ngại hiện hữu, không chỉ đối với các bên tranh chấp, với các nước ASEAN và khu vực Đông Nam Á, mà còn đối với tất cả các quốc gia Thái Bình Dương, trong đó có Mỹ. Thẳng thắn mà nói, nó là mối lo ngại của tất cả các quốc gia phụ thuộc vào tự do hàng hải, các tuyến đường biển, và các nguyên tắc thương mại hợp pháp không bị cản trở".
Russel kêu gọi các quốc gia tuyên bố chủ quyền chồng lấn sử dụng các biện pháp ngoại giao và "kiềm chế tối đa", tuân thủ DOC đã được ASEAN và Trung Quốc ký kết.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng hôm 21/1 cũng nêu rõ "Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc cải tạo, xây dựng công trình, phá vỡ nguyên trạng tại quần đảo Trường Sa, không để tái diễn những hành động sai trái tương tự".
Đường băng
Các nguồn tin của tờ Rappler, có nhiệm vụ giám sát Biển Đông, trước đó cho biết Trung Quốc rõ ràng đang xây dựng một đường băng ở bãi đá Chữ Thập. Một trong các nguồn tin cho biết bãi Chữ Thập sẽ được sử dụng như một căn cứ chỉ huy.
Trung Quốc được cho là đang bồi đắp để biến 6 hoặc 7 bãi đá ngầm ở Trường Sa, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, thành các đảo nhân tạo và xây dựng các công trình kiên cố.
Nếu Trung Quốc có đường băng tại bãi đá Chữ Thập, nó sẽ thay đổi đáng kể tình hình an ninh ở Biển Đông. Đường băng sẽ cho phép máy bay Trung Quốc, thậm chí cả chiến đấu cơ, hạ cánh trên đảo nhân tạo, một kịch bản làm gia tăng lo ngại nghiêm trọng. Điều đó cũng có nghĩa là Trung Quốc có thể ở lại lâu hơn trong khu vực. Các cảng có thể làm bến đỗ cho các tàu chở dầu và các tàu biển khác.
Tàu Trung Quốc đã ngừng quấy rối tàu Philippines trong khu vực kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu hoạt động cải tạo đất. "Có lẽ vì họ đã có được điều họ muốn", nguồn tin nói trên cho biết.
Phương Vũ (Theo Rappler)