Thủ tướng Anh Theresa May hôm 14/7 yêu cầu Bộ Nội vụ hoãn trục xuất một phụ nữ Nigeria và con gái 3 tuổi. Bà cũng yêu cầu Bộ trưởng Di dân Brandon Lewis xem xét trường hợp này, theo Guardian.
Lola Illesanmi, 29 tuổi, người Nigeria, sang Anh nhờ thị thực vợ chồng 4 năm trước. Cô là chuyên gia phân tích kinh doanh ở Livingston, Scotland. Cô cho biết đã bị chồng đánh đập, ép phá thai vì kiên quyết không cho con gái ba tuổi làm phẫu thuật cắt âm vật (FGM). Illesanmi nộp đơn lên Bộ Nội vụ xin ở lại Anh nhưng bị từ chối.
Người chồng phủ nhận cáo buộc đánh đập vợ và bắt con gái cắt âm vật. Anh này đã báo Bộ Nội vụ rằng vợ đem con gái bỏ nhà đi.
Thủ tướng Anh biết tới vụ của Illesanmi trong cuộc họp Hạ viện hồi đầu tháng. Nghị sĩ Hannah Bardell thuộc đảng Dân tộc Scotland đã báo cáo trường hợp của Illesanmi và kêu gọi bà May can thiệp.
Trong thư gửi Bardell, Thủ tướng May cho biết "đã cam kết chấm dứt tập tục FGM khi còn là Bộ trưởng Nội vụ" và hứa "sẽ chấm dứt FGM trong vòng một thế hệ".
Bà Bardell rất vui trước quyết định của Thủ tướng May và nhấn mạnh, người mẹ Nigeria cần được cấp giấy phép lưu trú vô thời hạn (ILR) để có thể tiếp tục làm việc và sinh sống ở Anh.
FGM phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có 28 quốc gia châu Phi, một số quốc gia châu Á và Trung Đông. Những nước lưu hành tập tục cổ xưa này mang quan niệm cắt âm vật sẽ ngăn phụ nữ ham muốn tình dục và gìn giữ trinh tiết.
Theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), thế giới có khoảng 200 triệu bé gái và phụ nữ đã bị cắt âm vật và khoảng 15 triệu bé gái nữa sẽ phải chịu đựng hủ tục đau đớn này trong thập kỷ tới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hủ tục này gây nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe phụ nữ và bé gái như xuất huyết ồ ạt, u nang, nhiễm trùng, vô sinh và biến chứng khi sinh con.
Hồng Hạnh