Cắt âm vật (FGM) là một thủ thuật đắt tiền. Vì thế, gia đình Malika không xoay xở nổi 100 đồng Ai Cập (5,5 USD) để tiêm thuốc tê cho con gái, cô bé phải lên bàn phẫu thuật mà không có thuốc tê, theo CNN.
Đây là chuyện thường ngày ở Ai Cập, cùng như nhiều quốc gia trên thế giới. Những nước lưu hành tập tục cổ xưa này với quan niệm cắt âm vật sẽ ngăn phụ nữ ham muốn tình dục và gìn giữ được trinh tiết.
Theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), thế giới có khoảng 200 triệu trẻ gái và phụ nữ đã bị cắt âm vật và khoảng 15 triệu trẻ gái nữa sẽ phải chịu đựng hủ tục đau đớn này trong thập kỷ tới.
Theo thống kê, 87% phụ nữ Ai Cập từ 15 tới 49 tuổi từng cắt âm vật, với 61% thực hiện trong độ tuổi 5 - 10. Trước đây, thủ thuật này thường do Daya - bà đỡ không được đào tạo y khoa chính quy, thực hiện một cách bất hợp pháp. Tuy nhiên, ngày càng nhiều phụ huynh đang tìm cách hợp thức hóa nó.
Lén lút
Kể từ năm 2007, những Daya thực hiện FGM bất hợp pháp có thể bị kết án tới 5 năm tù. Vì thế, các bậc phụ huynh tìm tới bác sĩ chính quy. Họ sẽ lén lút thực hiện FGM, thường vào sáng sớm hoặc tối muộn.
"Ngày càng nhiều người lựa chọn thực hiện FGM ở cơ sở y tế tại Ai Cập", Germaine Haddad, đại diện quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNDPA) ở Ai Cập cho biết.
Trong một khảo sát năm 2015 do Bộ y tế Ai Cập tiến hành, ước tính khoảng 82% phụ nữ dưới 19 tuổi ở nước này từng được bác sĩ hoặc nhân viên y tế thực hiện FGM. Ở độ tuổi lớn hơn, chỉ có 40% được nhân viên y tế thực hiện.
Trong khi các bậc phụ huynh dần chuyển sang xu hướng tin rằng bác sĩ thực hiện FGM an toàn hơn Daya, các nhà thực hiện chiến dịch lại lên tiếng cảnh báo.
"Nhiều bác sĩ còn không biết phải cắt thế nào. Các trường đại học và học viện ở đây không dạy sinh viên thực hiện FGM", Haddad cho biết.
Haddad đang làm việc trong dự án Bác sĩ Chống lại FGM, một chiến dịch do bộ y tế và UNDPA hợp tác nhằm nâng cao nhận thức về FGM trong chương trình đào tạo y bác sĩ.
Ayan Sadek, bác sĩ đang làm việc trong tổ chức Plan International chống lại hủ tục cắt âm vật cũng đồng tình với ý kiến của Haddad.
"Không có cách nào an toàn để thực hiện những thủ thuật đầy tính rủi ro này, bởi nó có thể gây thương tật nghiêm trọng cho bệnh nhân, bất kể là dùng dao lam hay dao phẫu thuật", ông nói.
FGM trên thế giới:
FGM phổ biến với cả người theo Hồi giáo lẫn Thiên chúa giáo ở Ai Cập. Nó cũng phổ biến tại 28 quốc gia châu Phi, một số quốc gia châu Á và Trung Đông.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hủ tục này gây nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe phụ nữ và trẻ gái như xuất huyết ồ ạt, u nang, nhiễm trùng, vô sinh và biến chứng khi sinh con. Biến chứng thường gặp nhất là xuất huyết và nhiễm trùng, Sadek cho biết.
"Hai biến chứng này rất phổ biến ở Ai Cập, nhiều trẻ gái đã chết. Loại phẫu thuật này sẽ cắt đi rất nhiều đầu dây thần kinh và không thể tiên lượng biến chứng", ông nói.
Khó khăn
Tại sao rất khó để xóa đi hủ tục này? Sadek cho rằng các chuẩn mực xã hội truyền thống đã góp phần giữ nó tới ngày nay.
"Phụ huynh làm thế vì áp lực xã hội. Người mẹ hiểu rõ đó là một hủ tục vì cô ấy từng trải qua nhưng lại cho rằng nếu con gái mình không được cắt âm vật sẽ khiến gia đình xấu mặt", Sadek nhận xét.
"Nó thể hiện bạo lực giới tính với phụ nữ", ông nói. "Xã hội cho rằng nếu cắt đi phần này trên cơ thể người phụ nữ, họ sẽ không có nhu cầu đòi hỏi tình dục".
Mariam, 13 tuổi, suy sụp tinh thần sau khi cắt âm vật và không nói chuyện với mẹ một tháng. "Cháu cứ khóc suốt", cô bé nói.
Sadek cho rằng nam giới, đặc biệt là nhận thức của nam thanh niên và trẻ trai, đóng vai trò quan trọng. Các tổ chức như Plan International thực hiện nhiều hoạt động nâng cao nhận thức trong cộng đồng như tổ chức các cuộc tọa đàm với nam giới. Thái độ của họ đối với tập tục này dần thay đổi, tuy vẫn còn không ít người phản đối.
Salwa, 37 tuổi, quyết tâm không cho con gái đi cắt âm vật mặc mẹ chồng gây áp lực. Sau khi tham gia một lớp học nâng cao nhận thức về FGM, Salwa thuyết phục chồng không đưa các con đi cắt âm vật.
"Tôi từng trải qua đau đớn khủng khiếp này lúc mới 9 tuổi. Tôi bị thương, xuất huyết và đau đớn vô cùng", bà nhớ lại.
Hồng Hạnh