Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 5/7 nêu chi tiết kế hoạch dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế chống Covid-19 của chính phủ vào giữa tháng 7, bất chấp những cảnh báo rằng việc làm này ở thời điểm hiện tại là không phù hợp khi số ca nhiễm biến chủng Delta có dấu hiệu tăng mạnh.
Ông cho biết "tính hiệu quả liên tục" của chương trình triển khai vaccine giúp Anh có vị thế để xem xét nới lỏng các biện pháp giới hạn, thay vì thắt chặt chúng, trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng.
"Tôi muốn nhấn mạnh ngay từ đầu rằng đại dịch này còn lâu mới kết thúc. Nó chắc chắn sẽ không chấm dứt vào ngày 19/7", Thủ tướng Anh nói trong họp báo, đề cập tới mốc thời gian gỡ phong tỏa mà chính phủ đặt ra. Ông cho rằng người Anh sẽ phải "học cách sống chung với virus", dù lãnh đạo chính phủ Anh từng tuyên bố rằng Covid-19 là "kẻ thù cần tiêu diệt".
"Chúng ta đang chứng kiến số ca nhiễm tăng lên khá nhanh", ông nói thêm. "Đến 19/7, số ca nhiễm mới một ngày có thể lên đến 50.000. Và một lần nữa như chúng tôi dự đoán, số người nhập viện đang ngày càng tăng. Chúng ta phải đối mặt với thực tế đáng buồn là số ca tử vong vì Covid-19 cũng tăng".
Theo Thủ tướng Johnson, như một phần của kế hoạch, chính phủ sẽ chuyển hướng từ áp đặt hạn chế mang tính pháp lý sang nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân trong xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc Anh sẽ bãi bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc, giãn cách xã hội và làm việc tại nhà. Quyết định cuối cùng sẽ được chính phủ Anh đưa ra vào ngày 12/7.
"Tôi không muốn mọi người chìm đắm trong hân hoan", Johnson cho hay. "Đại dịch còn lâu mới kết thúc". Tuy nhiên, ông thêm rằng đã đến lúc chính phủ cần quyết tâm tiến hành mở cửa bởi hiện tại là mùa hè và học sinh đang nghỉ học.
"Nếu chúng ta không thể mở cửa trong vài tuần tới thì đến bao giờ?", ông đặt câu hỏi.
Số ca nhiễm Covid-19 được dự báo tiếp tục tăng nếu các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, duy trì giãn cách bị hủy bỏ, tuy nhiên chính phủ của Thủ tướng Johnson tin rằng chiến dịch tiêm chủng đã làm suy yếu mối liên kết giữa số ca nhiễm với ca nhập viện và tử vong.
Khoảng 86% dân số trưởng thành của Anh đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 và hơn 63% đã tiêm đủ hai mũi, theo số liệu từ chính phủ. Hôm 4/7, Anh ghi nhận hơn 24.200 ca nhiễm mới và 15 ca tử vong liên quan đến Covid-19.
Các hạn chế hiện tại bao gồm duy trì khoảng cách trên một mét, đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng và không gian kín, giới hạn số lượng người tham dự những sự kiện như đám cưới, đám tang, đóng cửa câu lạc bộ đêm và đo thân nhiệt khách ra vào quán cà phê, nhà hàng.
Khi nguy cơ về làn sóng bùng phát ca nhiễm mới ngày càng rõ ràng liên quan đến biến chủng Delta nguy hiểm hơn, giới chuyên gia y tế Anh liên tục bày tỏ lo ngại về hậu quả của việc nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Deepti Gurdasani, nhà dịch tễ học kiêm giảng viên cấp cao tại Đại học Queen Mary London, đánh giá việc chính phủ Anh quyết định thúc đẩy mở cửa đất nước là điều "không quá ngạc nhiên", song nó sẽ một lần nữa gây áp lực đáng kể lên hệ thống bệnh viện.
"Chính phủ luôn phớt lờ những lời khuyên của chuyên gia và chỉ chú trọng lợi ích kinh tế trong ngắn hạn", ông nói. "Ngay cả với tỷ lệ lây nhiễm hiện nay, chúng ta vẫn đang gặp rắc rối và việc nới lỏng hạn chế hơn nữa tất nhiên sẽ chỉ khiến rủi ro tăng lên nhiều lần. Tôi nghĩ rằng chính phủ không chỉ cần ngừng mở cửa cho đến khi chúng ta đạt tỷ lệ tiêm chủng lớn hơn mà còn cần đối phó với sóng gia tăng ca nhiễm ngay lúc này".
Gurdasani cũng cảnh báo về nguy cơ có thêm nhiều người gặp phải các biến chứng kéo dài của Covid-19 dù đã khỏi bệnh.
"Đây không phải cảm cúm thông thường, như những gì mà Bộ trưởng Y tế Sajid Javid dường như muốn ám chỉ", Gurdasani nói. "Xin hãy cho tôi biết có bệnh cúm nào khiến 400.000 người gặp phải di chứng dai dẳng suốt 16 tháng không? Tại sao chúng ta lại muốn đạt miễn dịch cộng đồng bằng cách để người dân nhiễm virus một cách tự nhiên, trong khi ta có thể tiêm vaccine cho họ một cách an toàn và hiệu quả trong những tuần tới".
Gurdasani thúc giục giới chức Anh áp dụng các chính sách khôn ngoan hơn như tiếp tục yêu cầu người dân đeo khẩu trang, đầu tư vào hệ thống thông gió tại trường học hay nơi công sở và trì hoãn "thả cửa" hoàn toàn để có thêm thời gian tiêm chủng.
Cũng không đồng tình với quyết định mở cửa hoàn toàn, Hiệp hội Y khoa Anh (BMA) kêu gọi chính phủ "đừng xô đổ mọi thành quả đạt được" mà nên duy trì một số biện pháp hướng mục tiêu nhằm hạn chế virus lây lan sau ngày 19/7.
Trong một tuyên bố, tiến sĩ Chaand Nagpaul, chủ tịch hội đồng BMA, cho rằng "việc dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế chỉ trong khoảng thời gian hai tuần là hành động bất hợp lý". Theo ông, các bộ trưởng Anh không nên quá vội vàng đáp ứng thời hạn mà họ tự đặt ra.
"Chúng ta đã đạt được những tiến bộ tuyệt vời với chương trình tiêm chủng và nỗ lực thuyết phục từng người dân hành động trong 18 tháng qua và chính phủ tuyệt đối không được phép vứt bỏ điều đó vào thời điểm quan trọng này", ông nhấn mạnh.
Theo Nagpaul, dù số bệnh nhân nhập viện không tăng đột biến lên các mức đỉnh như trước đây, mức độ lây truyền trong cộng đồng ngày càng tăng "chính là mảnh đất màu mỡ cho những biến chủng mới có khả năng kháng vaccine phát triển".
Ông chỉ ra bằng chứng cho thấy 10% người nhiễm nCoV hứng chịu tác động lâu dài của virus, ngay cả khi họ chỉ bị triệu chứng nhẹ. Theo ước tính, khoảng hai triệu người ở Anh đang phải sống chung với những di chứng kéo dài sau khi nhiễm nCoV.
"Các yếu tố này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS), các nhóm y tế công cộng cũng như hoạt động kinh doanh, giáo dục và toàn bộ xã hội. Vì thế, ngăn chặn virus lây lan trong cộng đồng bằng loạt biện pháp cụ thể, có thể kiểm soát là nhiệm vụ cần được ưu tiên ngay bây giờ".
Stephen Griffin, phó giáo sư tại Trường Y Đại học Leeds, cho biết vaccine chính là "con đường" thoát khỏi đại dịch. Tuy nhiên, ông thêm rằng "tâm lý thiếu kiên nhẫn đối với các biện pháp hạn chế có nguy cơ làm tăng đáng kể số ca nhiễm, mà chủ yếu do biến chủng Delta, qua đó gây ra những thiệt hại không cần thiết".
Theo ông, kế hoạch của Thủ tướng Johnson, trong đó chuyển trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng dịch từ chính phủ sang cá nhân, là hành động "thoái thác trách nhiệm".
Dù vậy, không phải tất cả các chuyên gia y tế đều thống nhất rằng chính phủ đang quá nóng vội với kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa. Một số người cho rằng lý do "mở khóa" giới chức đưa ra khá thuyết phục.
Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học Đông Anglia, cho biết tất cả "đều đồng thuận rằng Covid-19 sẽ không biến mất", nên quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vào mùa hè, khi hầu hết trường học đều đóng cửa, là bước đi đúng đắn.
"Dù số ca nhiễm đang gia tăng nhanh, có thể là hệ quả từ những sự kiện ăn mừng giải bóng đá Euro, tôi vẫn nghĩ rằng bãi bỏ hạn chế bây giờ an toàn hơn so với mùa thu. Tác động từ tình trạng gia tăng ca nhiễm có lẽ sẽ ít dữ dội trong mùa hè hơn là mùa đông", ông đánh giá.
"Tất nhiên, chúng ta đã nhìn thấy những vấn đề mới nảy sinh trong suốt thời gian dịch bệnh diễn ra và không ai có thể chắc chắn về các thách thức trong những tháng tới, nhưng chúng ta cuối cùng vẫn phải tìm ra một trạng thái cân bằng với virus này cũng như tất cả các căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác", giáo sư Hunter cho hay.
Vũ Hoàng (Theo CNN)