Thế giới đã ghi nhận 147.022.891 ca nhiễm nCoV và 3.111.619 ca tử vong, tăng lần lượt 800.176 và 12.606, trong khi 125.024.796 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Anh, vùng dịch lớn thứ bảy thế giới, báo cáo 4.403.170 ca nhiễm và 127.417 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 2.061 và 32 ca với một ngày trước đó.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hôm 24/4 thông báo 33,51 triệu người trong tổng số hơn 66,8 triệu dân nước này đã được tiêm vaccine Covid-19, trong đó hơn 12 triệu người được tiêm đầy đủ hai mũi.
Bộ trưởng Hancock gọi đây là cột mốc tuyệt vời của Anh, khẳng định chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 là cách nước này dần thoát khỏi đại dịch. Anh là một trong những nước thực hiện chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất châu Âu và được nhận định đang đi đúng hướng để khống chế đại dịch và dần mở cửa lại nền kinh tế theo kế hoạch.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 32.786.598 ca nhiễm và 585.871 ca tử vong do nCoV, tăng 50.225 ca nhiễm và 732 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ sáng 24/4 thông báo đã tiêm 225.640.460 liều vaccine Covid-19 trong tổng số 290.685.655 liều được phân phối khắp cả nước.
Mỹ trước đó nối lại sử dụng vaccine Johnson & Johnson sau khoảng thời gian tạm ngừng vì phát hiện một số trường hợp đông máu. CDC Mỹ khẳng định người được tiêm vaccine Johnson & Johnson sẽ được cảnh báo trước về tác dụng phụ rất hiếm gặp gồm xuất hiện máu đông và tiểu cầu thấp.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 16.951.621ca nhiễm và 192.309 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 349.165 và 2.760 ca.
Trước sóng Covid-19 nghiêm trọng, Ấn Độ đang rơi vào thảm cảnh chưa từng có vì thiếu oxy, vaccine cùng thuốc men, trong khi các lò hỏa táng liên tục đỏ lửa vì số người chết do nCoV quá cao.
Các bệnh viện ở Ấn Độ hôm 24/4 tiếp tục đề nghị chính phủ lập tức cung cấp oxy sau khi họ phải dừng tiếp nhận bệnh nhân vì không đủ oxy. Video đăng trên mạng hội gần đây cho thấy một số người Ấn Độ nhiễm nCoV phải ngủ bên ngoài cơ sở y tế ở thành phố Bidar do không thuộc diện bệnh nhân Covid-19 được nhập viện.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chiều 23/4 đã chủ trì một cuộc họp cấp cao để bàn về tình trạng thiếu oxy trầm trọng tại các bệnh viện. Ông yêu cầu phải tăng cường sản xuất và tăng tốc độ phân phối oxy cũng như áp dụng các phương pháp sáng tạo để cung cấp oxy hỗ trợ các cơ sở y tế.
Các bang ở Ấn Độ đang mâu thuẫn về vấn đề cung cấp oxy, khi một số chính quyền bang bảo vệ chặt chẽ nguồn cung của mình tới mức bố trí cảnh sát vũ trang tại các nhà máy sản xuất oxy để đảm bảo an ninh.
Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 14.308.215 ca nhiễm và 389.492 ca tử vong, tăng lần lượt 70.105 và 2.8699.
Giám đốc Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne ngày 21/4 cho biết số ca nhiễm nCoV ở Brazil đang giảm, gồm ca vùng Amazon, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 trong những tháng qua. Tuy nhiên, Etienne cảnh báo việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch có thể đảo ngược xu hướng này.
Viện y sinh học Fiocruz của chính phủ Brazil trong khi đó cảnh báo người trẻ ở nước này đang ngày càng bị Covid-19 ảnh hưởng. Nghiên cứu của Fiocruz chỉ ra rằng số ca tử vong do nCoV ở những người 20-29 tuổi tại Brazil đã tăng hơn 1.000% từ đầu năm nay.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 5.473.579 ca nhiễm và 102.713 ca tử vong, tăng lần lượt 32.633 và 217 ca trong 24 giờ qua.
Thủ tướng Pháp Jean Caster ngày 22/4 nói rằng làn sóng dịch thứ ba "đã qua" và xác nhận các hạn chế đi lại trong nước sẽ được dỡ bỏ vào ngày 3/5 và các trường trung học cơ sở sẽ mở cửa trở lại cùng ngày. Đây là những bước đầu tiên trong kế hoạch đưa đất nước thoát khỏi đợt đóng cửa mới vì Covid-19.
Ông thêm rằng một số hoạt động kinh doanh, gồm quán bar, nhà hàng và trung tâm văn hóa có thể mở cửa trở lại vào giữa tháng 5 khi tình hình đại dịch được cải thiện, sau ba tuần Pháp bước vào đợt đóng cửa kéo dài một tháng. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm từ 19h đến sáng hôm sau vẫn được duy trì.
Tại Đông Nam Á, Campuchia ghi nhận thêm 511 ca nhiễm nCoV và 10 ca tử vong, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 9.359, trong đó 71 người đã tử vong. Phnom Penh đang sống dưới lệnh phong tỏa kéo dài hai tuần từ ngày 15/4 và tuyên bố một số quận là "vùng đỏ", cấm người dân rời khỏi nhà ngoại trừ vì lý do y tế.
Chính quyền thủ đô Phnom Penh đêm 23/4 tiếp tục thắt chặt các biện pháp hạn chế khi yêu cầu đóng cửa toàn bộ các khu chợ từ 22/4 đến ngày 7/5 do thấy tình trạng lây nhiễm tăng cao tại đây.
Lào báo cáo 88 ca nhiễm nCoV mới trong 24 giờ qua, nâng tổng ca nhiễm toàn quốc lên 247, trong đó chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Thủ đô Vientiane của Lào bắt đầu áp lệnh phong tỏa 14 ngày từ ngày 22/4 để đối phó số ca nhiễm nCoV tăng mạnh.
Người dân Vientiane bị cấm ra khỏi nhà, trừ khi có việc thiết yếu. Các đám đông không được vượt quá 20 người, trong khi các nghi lễ, như đám tang, phải được tổ chức hết sức cẩn thận và tuân thủ biện pháp phòng ngừa Covid-19.
Singapore ghi nhận 60.966 ca nhiễm, tăng 23 ca so với hôm trước, trong đó 30 người đã tử vong do nCoV.
Bộ Y tế Singapore hôm 22/4 cho biết sẽ không cho phép nhập cảnh với cả những người có thị thực dài hạn và khách du lịch ngắn hạn từng đến Ấn Độ gần đây do lo ngại dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nước này.
Singapore nhìn chung đã kiểm soát được virus và đang triển khai tiêm chủng. Họ gần như không ghi nhận thêm ca tử vong nào do nCoV trong vài tháng qua.
Thái Lan báo cáo thêm 2.839 ca nhiễm mới và 8 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên lần lượt 53.022 và 129.
Chính phủ Thái Lan từ đầu tháng này đã siết các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 như đóng cửa trường học, cấm tụ tập trên 50 người, cấm bán đồ uống có cồn trong nhà hàng ít nhất hai tuần kể từ ngày 18/4.
Giới chức Thái Lan cũng tuyên bố Bangkok và 17 tỉnh khác thuộc "vùng đỏ", áp dụng biện pháp dập dịch nghiêm ngặt. Nhà hàng và quán cà phê trong "vùng đỏ" chỉ được phép hoạt động đến 23h, phục vụ khách đến 21h.
Ngọc Ánh (Theo Reuters/AFP)