"Toàn bộ 227 xe tăng Challenger 2 già cỗi của Anh có thể bị loại bỏ trong quá trình đánh giá về chính sách đối ngoại và quốc phòng đang được chính phủ tiến hành", tờ Times ngày 25/8 dẫn nguồn tin chính phủ Anh cho hay.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Anh được cho là đang muốn từ bỏ các đơn vị thiết giáp hạng nặng để chuyển sang đầu tư cho tác chiến trên không và không gian mạng. Một số chuyên gia cho rằng các trận chiến của thế kỷ 21 dự kiến diễn ra tại khu vực đô thị, nơi vai trò của công nghệ cùng tác chiến trên không gian và chiến tranh thông tin được tăng cường.
"Chúng ta biết phải thực hiện một số quyết định táo bạo để bảo vệ hợp lý an ninh của Anh và tái cân bằng lợi ích quốc phòng để đối phó với các mối đe dọa mới", nguồn tin chính phủ Anh cho biết.
Năm 2019, Penny Mordaunt, khi đó là bộ trưởng quốc phòng Anh, tuyên bố xe tăng chiến đấu chủ lực Anh "đã lỗi thời" trong chiến tranh thời đại mới. "Challenger 2 được biên chế mà không trải qua lần nâng cấp lớn nào kể từ năm 1998. Trong khi đó, Mỹ, Đức và Đan Mạch triển khai hai đợt nâng cấp lớn, Nga cho ra mắt 5 biến thể mới và mẫu thứ 6 đang chờ ra mắt", Mordaunt nói.
"Thiết giáp Warrior thậm chí còn lỗi thời hơn và nhiều hơn 20 tuổi so với khí tài tương tự được các đồng minh chủ chốt của chúng ta sử dụng", Mordaunt cho biết.
Anh sở hữu ít xe tăng hơn Argentina với 231 chiếc, Đức với 236 chiếc và Uganda với 239 chiếc của Uganda. Nga, Mỹ và Trung Quốc là ba quốc gia sở hữu nhiều xe tăng nhất với số lượng lần lượt là 12.950, 6.333 và 5.800 chiếc.
Tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 được Anh phát triển từ cuối những năm 1980, được trang bị pháo chính 120 mm, súng máy đồng trục và súng máy 7,62 mm trên tháp pháo. Chiếc Challenger 2 đầu tiên được giao cho quân đội Anh vào thắng 7/1994 nhưng không vượt bài kiểm tra nghiệm thu. Sau khi được cải tiến, Challenger 2 được biên chế cho quân đội Anh 4 năm sau đó.
Nguyễn Tiến (Theo Sputnik, Times)