Michael, núi lửa dạng tầng cao gần 1.000 m vẫn đang hoạt động, quen thuộc với chim cánh cụt hơn là con người. Ngọn núi này nằm trên đảo Saunders thuộc quần đảo Nam Sandwich, cách Nam Cực khoảng 1.600 km và cách Nam Mỹ 2.400 km, xung quanh không có khu định cư nào. Khi vệ tinh quan sát từ không gian, ngọn núi thường xuyên bị mây che khuất.
Trong ảnh chụp hôm 7/11 của vệ tinh Landsat 8, điểm nổi bật là một vệt dài màu trắng sáng xuất hiện phía trên hòn đảo. Đây có thể là cột khói của núi lửa Michael hoặc một loại mây có tên "đường mòn núi lửa".
Đường mòn núi lửa xuất hiện khi những đám mây bay qua tương tác với khí và các hạt phun ra từ núi lửa. Các hạt này tạo ra thêm nhiều giọt mây nhỏ, khiến đám mây trông có vẻ sáng hơn. "Khi đám mây di chuyển phía trên núi lửa, dấu ấn của những giọt nhỏ này lưu lại trong mây, trông giống một dòng suối hoặc con đường có kết cấu khác lạ khi nhìn từ trên xuống", Santiago Gassó, nhà khoa học khí quyển tại NASA, giải thích. Gassó thường xuyên săn tìm đường núi lửa trong ảnh vệ tinh và là người phát hiện ra vệt trắng trong ảnh chụp của Landsat 8.
Trong ảnh chụp màu sắc tự nhiên, rất khó để nhận ra đường mòn núi lửa. Ảnh vệ tinh Landsat 8 là màu giả, được tạo ra từ sự kết hợp giữa hồng ngoại sóng ngắn với ánh sáng xanh lam, giúp phân biệt nó với phần còn lại của tầng mây.
Đường mòn núi lửa là công cụ hữu ích giúp các nhà khoa học phát hiện những hoạt động yếu của núi lửa như phun hơi nước, hạt nhỏ và khí. Những hoạt động này rất phổ biến nhưng thường không được phát hiện vì sự phun trào thường xảy ra ở dưới hoặc trong mây. Bằng cách nghiên cứu mây xung quanh núi lửa hoạt động yếu như vậy, giới khoa học có thể hiểu thêm về sự hình thành và phát triển của mây.
Tuy nhiên, cũng có khả năng vật chất từ núi Michael hôm 7/11 vươn lên cao hơn tầng mây, đồng nghĩa đây chỉ là một cột khói núi lửa điển hình, không phải đường mòn núi lửa. Không có dữ liệu LiDAR để đo đạc độ cao của vệt trắng nên không thể xác định đây là đường mòn núi lửa hay cột khói.
"Ảnh vệ tinh Landsat chứa đựng rất nhiều chi tiết. Tôi quan sát được vài bóng đen cho thấy thứ tôi nghĩ là đường mòn núi lửa có thể chỉ là một cột khói nằm ngay trên tầng mây, đủ thấp để đổ bóng nhẹ. Nhưng cũng thật bất thường khi cột khói giữ được kết cấu như vậy ở trên tầng mây mà không phân tán hay dàn mỏng ra", Gassó cho biết.
Ngoài ra, trong ảnh vệ tinh còn có một đám mây dạng thấu kính trắng xốp. Loại mây này không liên quan đến hoạt động núi lửa. Chúng có thể phát triển ở chỏm của các sóng khí quyển, hình thành khi gió gặp một rào cản địa hình và phải đổi hướng lên trên.
Thu Thảo (Theo SciTechDaily)