Thử nghiệm bắt đầu từ ngày 19/4. Helen McShane, chuyên gia tiêm chủng Đại học Oxford, thanh tra chính của nghiên cứu, cho biết: "Thông tin từ thử nghiệm cho phép chúng tôi tạo ra loại vaccine và phương pháp điều trị hiệu quả hơn, đồng thời hiểu được mọi người có miễn dịch bao lâu sau mắc Covid-19".
Thử nghiệm có hơn 100 người tham gia, tuổi từ 18 đến 30, từng mắc Covid-19 ít nhất ba tháng trước.
Giai đoạn đầu, các nhà khoa học tìm ra liều lượng nCoV cần thiết, đưa vào cơ thể một nửa số tình nguyện viên (tối đa 64 người), nhằm tạo ra các ca nhiễm nhẹ với ít hoặc không triệu chứng. Giai đoạn thứ hai, bắt đầu vào mùa hè, toàn bộ số tình nguyện viên còn lại được nhiễm lượng nCoV tiêu chuẩn trên.
Sau đó, tất cả cách ly theo dõi 17 ngày. Bất kỳ ai phát triển triệu chứng nghiêm trọng hơn được điều trị bằng liệu pháp kháng thể đơn dòng Regeneron, từng dùng cho cựu Tổng thống Donald Trump.
Phương pháp chủ động lây nhiễm trên người (HTC) đã được sử dụng trong dịch cúm mùa, sốt rét, sốt xuất huyết, tả và thương hàn, vốn để nghiên cứu vaccine. Sau khi tiêm chủng, người tham gia sẽ được tiêm thêm một lượng nhỏ virus, không đủ gây nguy hiểm vào cơ thể. Các nhà khoa học sẽ đánh giá mức độ hiệu quả của vaccine.
Hồi tháng 2, Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng phương pháp thử nghiệm này để nghiên cứu vaccine. Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm thông qua chương trình 1Day Sooner (Sớm hơn một ngày).
Trong bối cảnh xuất hiện thêm các biến thể nCoV đáng lo ngại, hiện tượng tái nhiễm được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm.Giới chuyên gia cho biết những người từng mắc Covid-19 không được bảo vệ hoàn toàn trước biến thể B.1.3.5.1 của Nam Phi hoặc biến thể B.1.1.7 của Anh.
Thục Linh (Theo Reuters)