"Thủ tướng và Chính phủ đã nói rõ rằng chỉ có một cuộc trưng cầu chung và như thủ tướng đã nói, quyết định cần được tôn trọng", Reuters hôm nay dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Anh (FO) cho biết.
FO, cơ quan giúp Đạo luật trưng cầu dân ý được thông qua, nhấn mạnh việc cần làm lúc này là "phải chuẩn bị cho quá trình rời khỏi EU và chính phủ cam kết bảo đảm kết quả tốt nhất có thể cho người dân trong các cuộc đàm phán".
Trên internet, khoảng 4,1 triệu người Anh đã ký vào đơn kêu gọi thực hiện cuộc trưng cầu lần hai về việc Anh rời EU.
Trong cuộc trưng cầu hôm 23/6, tỷ lệ ủng hộ "Anh rời EU" lớn hơn tỷ lệ người ủng hộ Anh ở lại là 52% so với 48%, tương ứng 17,4 triệu người và 16,1 triệu người.
Cả hai ứng viên đang được xem xét thay thế chức thủ tướng của ông David Cameron đều cho rằng kết quả trưng cầu đầu tiên không nên bị nghi vấn và Brexit cần được thực hiện.
"Brexit có nghĩa là Brexit", bà Theresa May, Bộ trưởng Nội vụ, nói.
Ứng viên này là người từng ủng hộ Anh ở lại EU nhưng không phải là người đứng đầu chiến dịch "Ở lại".
Đối thủ của bà May là Andrea Leadsom, Bộ trưởng Năng lượng, một trong những người ủng hộ Brexit, cho rằng Anh sẽ phát triển thịnh vượng khi không còn là thành viên của EU.
Xem thêm Xét lại Brexit, người Anh có thể hủy hoại EU
Khánh Lynh