Hôm 19/8, phi cơ chiến đấu J-11 của Trung Quốc có cuộc chạm mặt "rất gần, rất nguy hiểm" với máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Mỹ tại địa điểm cách đảo Hải Nam 220 km về phía đông. Hải Nam là nơi có căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc.
Phó đô đốc John Kirby, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, cho biết chiến đấu cơ Trung Quốc bay sượt ngang dưới bụng chiếc P-8, sau đó làm một cú dựng đứng, cắt mặt một góc 90 độ ngay trước mũi phi cơ đối phương. Chiến đấu cơ xoay vòng, cánh của nó chỉ cách mũi cánh chiếc phi cơ trinh thám 9 mét, sau đó nó vọt lên phía trên và thực hiện một cú lộn vòng. Sự việc diễn ra khi P-8 thực hiện chuyến bay thường lệ phía trên hải phận quốc tế.
Theo nhà phân tích trên Wall Street Journal, có giả thuyết cho rằng viên phi công ngỗ ngược đơn phương thực hiện hành động. Nếu vậy, sự việc sẽ liên quan đến sức ảnh hưởng và quyền kiểm soát của các lãnh đạo Trung Quốc đối với lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).
Nó cũng cho thấy khả năng quản lý binh sĩ và phi công ở tuyến đầu của các nhà chỉ huy quân sự. Bên cạnh đó mối phân vân về việc tại sao Trung Quốc lại thể hiện một động thái khiêu khích như vậy tại thời điểm mối quan hệ đôi bên dường như đang có bước tiến đáng kể cũng được trả lời.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không tin vào giả thuyết ấy. Họ cho rằng quân đội Trung Quốc được đào tạo vô cùng bài bản và kỹ lưỡng, vì vậy có rất ít cơ hội cho những người không chuyên nghiệp.
"Viên phi công không thể một mình đưa ra quyết định đó được", Andrei Chang, tổng biên tập Kanwa Defense, chuyên trang về các vấn đề quân sự, trụ sở Hong Kong nhận xét. "Tất cả những gì họ thực hiện đều được điều khiển từ mặt đất".
Theo Andrew Erickson, giáo sư tại học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ (NWC), vụ chạm trán khiến nhiều người liên tưởng tới bộ phim "Top Gun" nổi tiếng của điện ảnh Mỹ, cũng kết thúc với một cú lộn vòng điêu luyện của máy bay. Nhân vật chính Maverick do Tom Cruise thủ vai khi đó điều khiển phi cơ áp sát chiếc MiG của đối phương khi nó lăm le tấn công một tàu sân bay Mỹ.
Có điều, bầu trời phía trên Hải Nam không phải phim trường Hollywood. Phi cơ Mỹ được thiết kế không nhằm mục đích chiến đấu, không hiện diện như một mối đe dọa. P-8 chỉ là máy bay tuần tra phát hiện tàu ngầm. Chiếc P-8 của Mỹ khi so sánh với J-11 của Trung Quốc chỉ như "xe buýt trường học so với Ferrari" về độ linh hoạt và sức mạnh.
Thập kỷ vừa qua chứng kiến một loạt cuộc đối đầu, cả trên không và trên biển, giữa Mỹ và Trung Quốc. Đặc biệt trong vài tháng trở lại đây số lượng các vụ chạm trán xuất hiện càng nhiều.
Washington cho rằng vụ việc là "một trong những lần khiêu khích không an toàn nhất" từ sự kiện ngày 1/4/2001 đến nay. Cách đây hơn 13 năm, phi cơ chiến đấu J-8 của Trung Quốc đâm vào máy bay trinh thám EP-3 của Mỹ. Phi công Trung Quốc thiệt mạng, còn phi hành đoàn Mỹ hạ cánh khẩn cấp trên đảo Hải Nam. 24 người Mỹ bị giam giữ trong 10 ngày.
Đến nay, Bắc Kinh vẫn bác những cáo buộc của Mỹ xung quanh cuộc đụng độ, ngược lại, còn đổ hoàn toàn trách nhiệm cho Washington và thúc giục Mỹ chấm dứt các nhiệm vụ do thám ở cự ly được cho là "gần". Trung Quốc tái khẳng định quan điểm chiến đấu cơ của họ chỉ đơn giản thực hiện hoạt động "nhận dạng và xác minh thường xuyên", và phi công Trung Quốc "giữ một khoảng cách an toàn với máy bay Mỹ".
Lầu Năm Góc sau đó đưa ra bức ảnh cho thấy máy bay phản lực Trung Quốc thật sự thực hiện một pha lộn vòng nguy hiểm, phủ định tuyên bố của Trung Quốc rằng phi công của họ hành động chuyên nghiệp.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cũng bác bỏ khẳng định của Bắc Kinh về việc duy trì một khoảng cách an toàn. "Nơi duy nhất tôi biết mà người ta công nhận khoảng cách 9 m giữa đầu cánh máy bay là an toàn, đó là ở các buổi biểu diễn của đội Blue Angels", Wall Street Journal dẫn lời ông. Blue Angels là đội bay biểu diễn của hải quân Mỹ.
Giới phân tích cho rằng điểm quan trọng nhất để xem xét quanh vụ chạm mặt này là mâu thuẫn giữa hai quốc gia trong xác định phạm vi, tức là trinh sát như thế nào thì được chấp thuận theo luật pháp quốc tế.
Mỹ cũng như hầu hết các quốc gia khác cho phép phương tiện trinh thám nước ngoài hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và bầu trời phía trên. Bắc Kinh không cho phép như vậy và sử dụng cách diễn giải không chuẩn mực của họ về luật quốc tế để thường xuyên can thiệp các tàu thuyền và máy bay, thậm chí ngăn chặn một cách nguy hiểm các phương tiện của nước khác trong Vùng Nhận dạng phòng không mà họ tự tuyên bố trên Hoa Đông.
Đầu tháng này, Trung Quốc có hành động khó hiểu khi điều tàu do thám vào vùng đặc quyền kinh tế của Hawaii trong lúc các nước đang tập trận quân sự ở đó. Mỹ phát hiện ra điều này nhưng chấp nhận sự hiện diện của tàu do thám Trung Quốc. Các nhà quan sát lập tức chỉ ra rằng trong khi Trung Quốc ngăn chặn các phương tiện do thám của nước khác trong EEZ của họ, thì họ lại làm điều đó với nước khác.
Theo ông Erickson, những điều này đặt ra câu hỏi liệu Washington sẽ tiếp tục làm gì ở Đông Á trong bối cảnh đang có nhiều thách thức chiến lược, khi Bắc Kinh tận dụng thời cơ để thực hiện chiến lược "cắt nhỏ và chiếm dần" và cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ.
Vũ Hoàng