Vì em không tăng cân nên mẹ cháu thay đổi sữa cho em liên tục. Mỗi ngày em uống 200 ml sữa. Ngoài ra các bữa em cháu vẫn ăn đủ thịt, cá, trứng và các loại thực phẩm khác, nhưng không ăn rau. Hồi 7 tháng tuổi, em cháu bị bệnh lỵ, đến giờ vẫn thỉnh thoảng bị. Đây có phải là nguyên nhân khiến em cháu không tăng cân không ạ. (Diệu Ly)
Trả lời:
Chào bạn,
Em bạn có cân nặng và chiều cao đều bị thiếu, đang bị đe dọa suy dinh dưỡng. Tuy bé hằng ngày đều uống sữa, thay đổi món ăn là tốt, nhưng có lẽ không đủ nên đã ảnh hưởng đến sự phát triển. Lứa tuổi này bé đang học tiểu học nên chế độ dinh dưỡng không đầy đủ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất mà cả việc học tập nữa.
Việc không được ăn uống đầy đủ, đặc biệt vào bữa ăn sáng làm bé dễ ngủ gật, không tập trung vào học được. Vì vậy chế độ ăn nên lưu ý một số điểm sau:
- Đảm bảo cho bé ăn ba bữa chính trong ngày, có thể có một đến hai bữa phụ. Chú ý bữa ăn sáng rất quan trọng, không cho bé bỏ bữa vì dễ bị hạ đường huyết.
- Không cho bé ăn vặt, không ăn đồ ngọt như bánh, kẹo, bim bim, nước ngọt… trước bữa ăn sẽ làm bé ngang dạ không ăn được trong bữa ăn chính.
- Mỗi ngày vẫn đảm bảo cho bé uống 400-500 ml sữa, nên sử dụng sữa dinh dưỡng có bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết. Có thể chia thành 2 lần, uống một ly sữa sau ăn sáng, còn một ly vào buổi tối sau ăn khoảng 2 tiếng. Ban ngày cho bé ăn một hộp sữa chua 100 ml vào sau bữa ăn khoảng 30 phút.
- Bữa sáng nên thay đổi: Có thể ăn xôi, bánh mì trứng hoặc thịt, bánh ngọt..., khi bé ăn bún, phở bạn nên hạn chế nước dùng, để bé còn có thể uống được sữa. Hai bữa ăn chính nên thay đổi nhiều loại thực phẩm (ví dụ có thịt, vẫn thêm một ít cá...), nhưng nên chọn thịt nửa nạc nửa mỡ, cá béo, tôm, cua, trứng… tránh tình trạng bé chỉ ăn được một số thức ăn đơn điệu. Tăng cường ăn nhiều rau và hoa quả để cung cấp vitamin, khoáng chất cần thiết và chất xơ tránh táo bón. Chế biến tăng các món xào, rán để tăng thêm năng lượng cho bé.
Ngoài ra bạn có thể bổ sung vitamin, khoáng chất và enzym tiêu hóa sẽ giúp bé ăn ngon miệng hơn.
Việc thỉnh thoảng bé vẫn bị hội chứng lỵ, bạn cần cho bé đi khám và xét nghiệm phân để có chẩn đoán chính xác và cách điều trị hợp lý nhé.
Chúc bé khỏe, cả nhà vui.
Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi
Phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội