Dù là nhiều hàng quán vỉa hè lộn xộn ở chợ đêm nhưng tuyệt nhiên đường phố không tìm thấy một mẩu rác, du khách Việt ngạc nhiên.
Chỉ cách khoảng 3 giờ bay và có chính sách visa cởi mở, Đài Loan nằm trong top đầu những điểm đến nước ngoài mà người Việt lựa chọn. Không chỉ vậy, nhiều khách Việt đã có ấn tượng đặc biệt với nơi này và muốn quay trở lại, trong đó có phóng viên Lê Trọng Nghĩa Hiệp (1990, thường gọi là Hiệp Lê).
"Sang đây mới thấy phong cảnh ở Đài Loan lãng mạn không thua Hàn Quốc, đường phố sạch sẽ không kém Singapore, ý thức người dân văn minh và lịch sự như Nhật Bản, giá cả chi tiêu lại rẻ như Thái Lan", Hiệp Lê nhận xét.
Dưới đây là những ấn tượng của chàng trai 9X sau chuyến đi 7 ngày 6 đêm ở hòn đảo này, gồm 2 ngày ở Đài Trung và 5 ngày ở Đài Bắc.
Có sở thích ăn uống, Hiệp Lê dành phần lớn thời gian để trải nghiệm ẩm thực. Anh liệt kê được danh sách 40 món ngon từ những chia sẻ trên mạng của khách du lịch khắp thế giới, và lựa chọn ăn tại các địa chỉ nổi danh.
Tiểu long bao (xiaolongbao) là một loại dimsum (điểm tâm) phổ biến ở đây, gần giống viên há cảo, có các loại nhân như thịt heo, tôm, cua hay rau bằm. Món này còn gọi là bánh bao súp, vì bên trong lớp vỏ bánh mỏng và dai là nước cốt thịt nóng hổi.
Nhà hàng Din Tai Fung nổi tiếng bán xiaolongbao hơn 40 năm, là một trong 10 nhà hàng dimsum hàng đầu thế giới do tạp chí New York Times bình chọn. Ở Đài Bắc có 7 chi nhánh Din Tai Fung, quán nào cũng cho thực khách trực tiếp xem đầu bếp chế biến các loại xiaolongbao qua lớp kính trong suốt.
Tại nhà hàng, thực khách được hướng dẫn cách ăn là chấm viên xiaolongbao vào đĩa nước chấm gồm xì dầu, giấm và gừng thái chỉ, sau đó đặt lên thìa lòng sâu rồi dùng đũa chọc một lỗ nhỏ vào lớp vỏ bánh, húp nước sốt chảy ra từ bánh rồi ăn kèm vài sợi gừng.
Cơm thịt kho (lu rou fan) là món không thể bỏ qua ở Đài Loan, cách chế biến tương tự thịt kho tàu ở Việt Nam. Lu rou fan truyền thống có thịt ba chỉ xắt nhỏ, thường ăn kèm cải muối chua và trứng kho, hoặc thực khách có thể gọi thịt nguyên miếng.
Quán Jin Feng ở Đài Bắc, mở cửa đến 1h sáng, được cho là nơi bán lu rou fan nổi tiếng nhất. Ngoài cơm thịt kho, quán còn bán óc hầm, gà hầm, giá mỗi phần ăn khoảng 50 – 60 TWD (40.000 – 50.000 đồng).
Mì bò gân cũng là món trứ danh xứ Đài. Món ăn có nước dùng được nấu từ thịt bò và đậu tương, là sự kết hợp giữa mì Nhật Bản và mì Trung Quốc truyền thống, ăn cùng thịt bò hầm mềm và gân bò giòn sựt.
Quán mì YongKang Beef Noodle, mở cửa đón khách lần đầu tiên vào năm 1963, nay trở thành một trong những quán mì bò ngon nhất Đài Bắc theo đánh giá của khách du lịch. Tại đây giá tô nhỏ 220 TWD, tô lớn 250 TWD (175.000 – 200.000 đồng).
Gần hàng mì bò Yongkang, món bánh nướng hành xanh tại quán ăn tên Việt Nam Thành Ký thường thu hút cả hàng dài thực khách đứng đợi. Một chiếc bánh có giá 25 – 50 TWD (20.000 – 40.000 đồng), với nhiều loại nhân như thịt nguội, phô mai, hạt ngô và thập cẩm.
Bánh bao kẹp thịt (guabao) là một trong những món ăn đường phố đặc trưng ở xứ Đài. Nhân bánh được làm từ thịt heo ba chỉ xào với hành, tỏi, đường, xì dầu và rượu gạo được hầm trong khoảng 2 giờ, sau cho thêm rau mùi tươi, dưa muối và lạc rang giã nhỏ. Tại hàng Lan Jia Guabao nổi nhất Đài Bắc vì từng được CNN giới thiệu, giá một phần bánh 60 TWD (50.000 đồng).
Cuốn "Cẩm nang Michelin Đài Bắc" giới thiệu món sườn hầm Hải Hữu ở chợ Shilin là một trong 10 món ăn đường phố tiêu biểu. Quán có bán gà hầm, sườn hầm, ăn kèm gừng thái sợi mang lại cảm giác cay the dậy mùi thịt hầm, giá 100 TWD (80.000 đồng) một phần.
Gà quay đậu nành, món ăn làm nên tên tuổi của nhà hàng Hawker Chan (Singapore) đạt sao Michelin rẻ nhất thế giới. Mỗi phần cơm gà nơi đây có giá khoảng 50 TWD (40.000 đồng).
Còn tại khu chợ đêm Ximending, gà chiên giòn là món được gợi ý nhất định phải thử. Thịt gà tẩm bột chiên trong dầu, sau đó được rắc ớt bột trộn đều, khi ăn miếng gà mềm nằm trong lớp vỏ giòn tan mang vị hơi cay. Hai hàng gà lớn nhất khu Ximending tên 1973 và Hot-star.
Trà sữa trân châu, thức uống nổi danh thế giới xuất xứ Đài Loan, không thể thiếu trong danh sách trải nghiệm ẩm thực của mọi du khách. Tại Đài Bắc, quán Ông Trần Tam Đỉnh, 50 Lan, Ten Ren, King Olong 931 và trên khắp đường phố, giá trung bình 35 TWD (27.000 đồng) một ly.
Để tráng miệng, Hiệp Lê tìm ăn món kem xoài đá xay được CNN bình chọn ngon nhất Đài Bắc tại quán Smoothie House. Món ngọt này có lớp kem đá được bào mỏng mịn, xung quanh phủ nhiều miếng xoài tươi, trên đỉnh là viên kem vị tự chọn béo ngậy, giá 250 TWD (200.000 đồng) vừa ăn hai người.
Ngoài ra, có vị được cho là khó ăn, đặc sản đậu phụ thối và trứng ngâm cũng đáng để trải nghiệm cho những ai lần đầu đến Đài Loan.
"Muốn ăn ngon và mua sắm với giá thành phải chăng, bạn hãy đến các khu chợ đêm. Và dù là nơi xô bồ, những nơi này vẫn rất sạch sẽ, tuyệt nhiên không thấy một mẩu rác", Hiệp Lê chia sẻ.
Đài Loan có nhiều điểm tham quan hấp dẫn du khách. Bạn có thể đến viếng thăm những ngôi chùa cổ kính, ngắm toàn cảnh Đài Bắc từ trên cao, cưỡi ngựa ở đồi cừu, thả đèn trời nơi phố cổ, hay dạo chơi ăn uống ở những khi phố đêm sầm uất.
Hiệp Lê cùng bạn đồng hành đi dạo khắp các khu phố đêm. Tại Đài Trung, hai chợ đêm nổi tiếng là Yizhong Jie và Feng Chia, bán đủ loại hàng hóa từ những món ăn địa phương đặc sắc đến mỹ phẩm, quần áo, giày dép...
Giữa trung tâm, Ximending là một khu phố đi bộ cực kì sầm uất, "du khách có thể tìm thấy mọi thứ mà họ có thể nghĩ ra để mua sắm", Hiệp Lê mô tả. Nơi đây cũng có nhiều rạp phim, quán bar, quán cà phê, nhà hàng và lúc nào cũng trong trạng thái đông nghịt người. Còn chợ đêm Shilin là một trong những chợ đêm lớn nhất Đài Bắc, khá phong phú hàng hóa và có giá thành rẻ hơn. Nếu đến phố cổ Tamsui, cả một dọc phố sát biển sẽ đầy ắp hàng quán và âm nhạc.
Bạn nên đi ít nhất một ngôi chùa để phần nào biết được đời sống tín ngưỡng của người dân nơi đây. Long Sơn Tự (Longshan), ngôi chùa hơn 280 tuổi ở trung tâm Đài Bắc, là điểm đến của nhiều du khách. Chùa được xây theo cấu trúc hình chữ Hồi truyền thống của người Hoa, trang hoàng đẹp mắt.
Sisi Nan Cun dịch ra là làng số 44 phía Nam, được xây dựng vào khoảng năm 1948 cho mục đích quân sự, sau này chuyển thành khu tham quan. Nơi đây hiện là khu phức hợp vui chơi, giải trí dành cho giới trẻ gồm triển lãm, quán cà phê, chợ phiên, chợ bán đồ cũ cuối tuần... Từ ngôi làng này bạn có thể chụp ảnh được tòa tháp Taipei 101 đằng sau.
Để check-in Taipei 101, du khách có thể mua vé lên tầng cao nhất cách mặt đất khoảng 440 m để ngắm toàn cảnh thành phố, hoặc ngắm tòa tháp từ xa trên núi XiangShan.
Cùng hướng đi làng cổ Cửu Phần và Thập Phần, làng Houtong là điểm đến dành cho những người yêu mèo. Du khách sẽ dễ dàng tiếp cận những con mèo tự do đi lại khắp trong làng, và mua hàng loạt món quà lưu niệm hình mèo dễ thương.
Còn tại Đài Trung, bên cạnh hồ Nhật Nguyệt, đầm lầy Gaomei có cánh đồng điện gió được coi là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất xứ Đài, và đồi cừu Cingjing được ví như Thuỵ Sĩ thu nhỏ là hai điểm đến nổi bật.
Theo hành trình của mình, Hiệp Lê còn chia sẻ một số kinh nghiệm về lưu trú và di chuyển. Bạn nên tìm khách sạn ở quanh khu vực ga tàu để đi lại thuận tiện, và đừng quên sử dụng thẻ Easy Card để tiết kiệm chi phí khi đi phương tiện công cộng.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo kinh nghiệm du lịch Đài Loan tự túc tại đây.
Ảnh: Lê Trọng Nghĩa Hiệp