Ngày 16/12/2019, bà Cindy Shepler an tử trên giường bệnh, nơi bà đã điều trị suốt một thời gian dài, cách nhà riêng ở thành phố Knoxville khoảng 7.200 km. Trông bà lặng lẽ, bình yên.
Đây là sự lựa chọn duy nhất, giải thoát bà khỏi những căn bệnh hành hạ đau đớn bấy lâu.
Tại Tennessee và nhiều bang ở Mỹ, trợ tử là bất hợp pháp. Trong 5 năm liền, 4 dự thảo về "quyền được chết" đã ban hành, song không điều luật nào được phê duyệt chính thức. Bà Shepler không đủ điều kiện trợ tử ở các bang khác, nên quyết định đến Thụy Sĩ để trút hơi thở cuối cùng theo nguyện vọng.
Ban đầu, việc phải ra đi tại một căn phòng xa nhà, chẳng trăng trối được với người thân yêu, không nằm trong kế hoạch của bà. Nhưng nhiều năm trôi qua, Shepler không còn đủ sức khỏe thực hiện các hoạt động từng yêu thích. Bà mắc nhiều chứng bệnh như mệt mỏi mạn tính, hội chứng Sjögren (rối loạn miễn dịch gây khô mắt và miệng), bệnh Hailey-Hailey (tình trạng di truyền hiếm gặp khiến da phồng rộp và sốt). Bà phải cắt bỏ tuyến giáp ở tuổi 28, sống dựa vào thuốc hơn 30 năm qua.
"Cuộc sống của bà ấy là chuỗi ngày đau đớn buộc phải từ bỏ mọi thứ", chồng bà, ông David, nói.
35 tuổi, bà nghỉ việc tại Trung tâm Y tế Cigna, chuyển từ San Francisco về Knoxville để sống với mẹ. Sau đó, sức khỏe chuyển xấu, bà ngừng ra ngoài ăn uống hay gặp gỡ bạn bè. Có những ngày không thể ngồi dậy, bà gần như ở trên giường.
Những năm cuối đời, Shepler nỗ lực nghiên cứu thêm về bệnh tự miễn, giống như các hội chứng bà gặp phải. Dù có thể quá muộn, bà hy vọng điều này hữu ích đối với các bệnh nhân khác.
"Liệu tôi có bao giờ được thức dậy, cảm thấy sảng khoái, không đau đớn và không bị sốt? Liệu tôi có thể mặc quần áo đẹp, ra ngoài mà không cảm thấy mệt mỏi?", bà viết trong nhật ký năm 2015.
Năm 2019, bà viết thêm vào cuốn nhật ký: "Đáng buồn thay, gần 4 năm sau, tôi vẫn tuyệt vọng và sẵn sàng ra đi".
Ông David chứng kiến nỗi tuyệt vọng ấy hàng ngày. Cuối cùng, ông ủng hộ quyết định của bà, thừa nhận nếu ông phải chịu đựng những gì mà vợ mình trải qua trong nhiều thập kỷ, ông đã bỏ cuộc từ rất lâu trước đó.
Song, đây vẫn là trải nghiệm không hề dễ chịu.
Đôi khi, Shepler lơ đễnh nói với chồng trước khi đi ngủ, rằng mình không muốn thức dậy vào buổi sáng. Điều này nghe vô cùng chua chát, nhưng ông David thấu hiểu tất cả.
Bà cũng bắt đầu tự lên kế hoạch cho cái chết của mình, cân nhắc việc ngừng dùng thuốc tuyến giáp. Tuy nhiên, ra đi theo cách này sẽ tốn nhiều thời gian. Tiếp đến, bà nghĩ tới việc tuyệt thực, song không đủ điều kiện tới nhà an dưỡng cuối đời, nơi thích hợp để làm điều này.
Cuối cùng, Shepler cùng chồng tìm thấy Final Exit Network, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các bệnh nhân nan y, chịu nhiều đau đớn.
"Tôi nghĩ đây là phương pháp hợp lý. Nhiều người coi nó như một hình thức tự tử, nhưng bà ấy thì không, vì lý do nào đó", David nói.
Cả hai vợ chồng quyết định không tiết lộ kế hoạch cho người thân, giữ im lặng về chuyến đi đến Thụy Sĩ.
"Tôi thực sự không biết lúc đó chị ấy đang làm gì. Có thể chị đã cố nói ra, nhưng tôi không hiểu bởi chúng đều là những lời ẩn ý", Peggy Siegel Loflin, em gái bà Shepler kể lại.
Trong chuyến đi cuối cùng của mình đến Thụy Sĩ, hai vợ chồng bay khoang hạng nhất, bởi thể trạng bà Sheplers quá yếu. Hai ngày sau, một bác sĩ gặp họ tại khách sạn để kê đơn thuốc trợ tử. Buổi sáng cuối cùng, ông David cùng bà Shepler đến bệnh viện. Ông nằm với vợ mình trên giường khi bác sĩ cắm tiêm truyền vào tay bà. Cả hai nói lời vĩnh biệt, trước khi bà thiếp đi mãi mãi.
Gia đình Shepler chưa bao giờ e ngại khi kể về lựa chọn của bà. Họ nhận ra rằng, cuối cùng, đây là cách chấm dứt nỗi đau dai dẳng mà bà phải chịu đựng ngày này qua ngày khác.
Ít ai biết rằng, khi còn sống, bà Shepler đã lãnh đạo các cuộc vận động địa phương, kêu gọi cựu thị trưởng thành phố Knoxville là Madeline Rogero khởi động chiến dịch hỗ trợ người mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính. Đây là lý do khiến Cầu Henley Street được thắp sáng với ánh xanh biểu tượng vào ngày 12/5 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chứng bệnh.
Thục Linh (Theo Knox News)