Bà Mavis 80 tuổi, đã trợ tử cho chồng, giúp ông Dennis theo mong muốn được kết thúc mọi đau đớn từ căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, đầu năm ngoái. Bà Mavis sau đó cũng tự uống thuốc kết thúc cuộc đời mình, để lại thư tuyệt mệnh dài 14 trang giải thích cả hai muốn "kết thúc mọi thứ vì bệnh tật, áp lực từ các mối quan hệ xã hội".
Khi được gia đình phát hiện nằm trên ghế sofa ở nhà riêng tại Huntington, cả hai đã không còn phản ứng, được đưa đi cấp cứu. Bà Mavis được cứu, song chồng bà qua đời sau 20 phút được đưa tới bệnh viện.
Joy Munns, con gái bà Mavis Eccleston và ông Dennis Eccleston hôm 4/11 công khai những giây phút cuối đời của bố mình với nguyện vọng trợ tử được hợp pháp hóa tại Anh.
Joy đăng trên tài khoản Twitter hình ảnh bố mẹ nắm tay nhau trên giường bệnh trước khi Dennis qua đời. Joy viết: "Đây đâu có giống giết người? Mẹ tôi bị buộc tội giết người vì cố tình tự tử cùng người chồng ung thư giai đoạn cuối, giúp ông ấy kết thúc những đau đớn bệnh tật. Đây là kết thúc của cuộc tình 60 năm của hai người, KHÔNG PHẢI GIẾT NGƯỜI".
Nước Anh không công nhận quyền được chết của người. Bà Mavis bị Tòa án Stafford Crown buộc tội hồi đầu tháng 9 đã "cho chồng uống thuốc có khả năng gây tử vong mà chưa được sự đồng ý". Tuy nhiên bà khẳng định việc làm này của bà là quyết định của cả hai vợ chồng, rằng ông Dennis đã thuyết phục bà giúp ông kết thúc cuộc sống, hướng dẫn bà các bước thực hiện. Bà khẳng định chính bà cũng tự kết thúc cuộc đời mình bằng liều thuốc nhưng đã sống sót.
Trong phiên tòa, công tố viên Tony Badenoch nói: "Trợ tử chưa được hợp pháp hóa tại Anh, do đó việc làm của bà Mavis không đáng được bảo vệ". Bồi thẩm đoàn không đồng ý với cáo buộc này. Bà Mavis được kết luận vô tội sau phiên tòa kéo dài hai tuần.
"Mẹ tôi sẵn sàng hy sinh mọi thứ, kể cả mạng sống của mình. Tại sao? Vì đạo luật trợ tử tại đất nước này", Joy nói. "Những người thân yêu của chúng ta sẽ còn phải chịu đựng đau đớn mỗi ngày, nếu như trợ tử không được hợp pháp hóa".
Suicide Act (Luật tự tử) ban hành năm 1961 quy định việc khuyến khích người khác chết hoặc trợ tử tại Anh là bất hợp pháp. Những người bị kết tội có thể phải đối mặt với án tù 14 năm.
Trợ tử được hợp pháp hóa tại một số quốc gia, lãnh thổ như Canada, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Colombia, Thụy Sĩ, một số bang tại Mỹ, Australia. Điều kiện để một người được trợ tử bao gồm mắc bệnh nan y, chứng minh có suy nghĩ tỉnh táo, liên tục bày tỏ mong muốn được kết thúc cuộc đời. Người lựa chọn cái chết này tự mình uống thuốc được chỉ định, có liều mạnh gây chết người.
Lê Hằng (Theo Yahoo News UK, The Guardian)