Một nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết quan chức ngoại giao hai nước nhất trí tiếp tục đàm phán sau cuộc họp trực tuyến của Cơ chế Làm việc để Tham vấn và Điều phối Các vấn đề Biên giới Ấn - Trung.
Sau khi nhất trí được về cách tiến hành rút quân khỏi các vị trí tiền tuyến, Ấn Độ và Trung Quốc có thể triển khai bước tiếp theo là rút toàn bộ lực lượng tăng viện cùng khí tài bổ sung tại khu vực biên giới sau vụ đụng độ ngày 15/6 ở thung lũng Galwan, vùng Ladakh.
Binh sĩ hai bên đã tấn công nhau bằng đá và gậy gộc, khiến 20 người phía Ấn Độ thiệt mạng, trong khi Trung Quốc không tiết lộ số thương vong. Đây là lần đối đầu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ giữa hai quốc gia châu Á sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức nhiều vòng đàm phán sau vụ ẩu đả chết người để hạ nhiệt và giảm số lượng binh sĩ tại khu vực thung lũng Galwan. Tuy nhiên, hai nước vẫn đưa thêm lực lượng tới khu vực biên giới.
Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), vốn được coi là biên giới Ấn-Trung, thiết lập năm 1962 nhưng chưa được phân định rõ ràng. Lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc nhiều lần đụng độ dọc theo LAC trong nhiều thập kỷ song không có vụ đấu súng xuyên biên giới nào xảy ra.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava nói duy trì hòa bình biên giới là cơ sở cho quan hệ giữa hai nước. "Do đó chúng tôi kỳ vọng phía Trung Quốc sẽ chân thành hợp tác để rút quân và xuống thang căng thẳng triệt để, khôi phục đầy đủ hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới trong thời gian sớm nhất", Srivastava nói.
Một quan chức Mỹ cho biết nước này phát hiện cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tăng viện cho khu vực biên giới với hơn 10.000 binh sĩ mỗi bên. "Chúng tôi vẫn thấy quân tiếp viện và vũ khí tiến về phía biên giới. Do đó không có nghĩa là chúng ta đã qua cơn nguy hiểm", quan chức Mỹ nói.
Ấn Độ còn đáp trả phi quân sự nhằm vào Trung Quốc sau vụ ẩu đả chết người trên biên giới. Ấn Độ cấm 59 ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc, bao gồm TikTok của ByteDance và UC Browser của Alibaba, với lý do lo ngại về bảo mật.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)