Khi thử tên lửa hạt nhân năm 1998, New Dehli khẳng định Trung Quốc, chứ không phải Pakistan, là mối đe doạ an ninh lớn nhất. Ấn Độ quan sát sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng chiến lược ngày một lớn của Bắc Kinh ở châu Á với con mắt cảnh giác. Việc Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ và liên tục cho Pakistan càng khiến các chính khách ở New Dehli coi nước láng giềng lớn này là nguy cơ về an ninh. Những điều đó cùng tranh chấp dai dẳng về biên giới và lãnh thổ khiến quan hệ song phương không được thuận buồm xuôi gió. Một trong những vấn đề sẽ được bàn trong chuyến thăm này là biên giới - xích mích gần như là muôn thuở đối với cả hai. Ấn Độ là quốc gia láng giềng duy nhất mà Trung Quốc chưa thoả thuận được về ranh giới phân chia lãnh thổ, và Bắc Kinh đã đánh tiếng muốn tìm giải pháp "công bằng và hợp lý" đối với những phần đất tranh chấp, do hậu quả từ thời thuộc địa. Sau hơn 20 năm thương thảo, kể từ cuộc xung đột biên giới 1962, Ấn Độ và Trung Quốc thậm chí vẫn chưa xác định được một ranh giới kiểm soát. Hai bên mới chỉ trao đổi bản đồ về "vùng ở giữa", nằm trên bang Himachal Pradesh của Ấn và vùng Uttaranchal thuộc Tây Tạng của Trung Quốc. Còn hai khu vực nữa ở miền đông và tây chưa có giải pháp, bởi nhiều khả năng động chạm đến vấn đề này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các quyền lợi chiến lược của Bắc Kinh.
Giải quyết được vấn đề mấu chốt trên sẽ mở ra triển vọng cho thương mại. Trung Quốc từ lâu coi Ấn Độ là thị trường đầy tiềm năng cho hàng hoá của mình, đồng thời rất quan tâm đến công nghệ cao của nước láng giềng. Tuy nhiên, người Ấn e ngại sức mạnh của người Hoa trong thương mại, và sợ sẽ bị lợi dụng và tụt lại sau. Hiện mậu dịch của hai bên nặng tính cạnh tranh hơn hợp tác.
Một trong những nhiệm vụ của Thủ tướng Vajpayee lần này là đàm phán mở văn phòng của Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ tại Thượng Hải. Liên đoàn này là tổ chức kinh doanh mạnh nhất của đất nước Tiểu Á. Đây là dấu hiệu cho thấy các doanh nhân Ấn Độ muốn làm ăn ở thị trường đông dân nhất thế giới. Bắc Kinh cũng đáp trả thiện chí bằng cam kết đầu tư 500 triệu USD xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước láng giềng.
Quan hệ quốc phòng giữa Bắc Kinh với Islamabad, những hoạt động của hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương, hoạt động quân sự ở Tây Tạng, Nepal và Myanmar là nguyên nhân khiến New Dehli phải lo ngại. Một báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Ấn Độ mới đây cảnh báo về một thực tế là "mọi thành phố lớn của Ấn đều nằm trong tầm tên lửa của Trung Quốc, và khả năng này càng nghiêm trọng hơn khi trong số các tên lửa đó có cả loại đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm".
Tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ, ông Madhavendra Singh, vừa tỏ ý "lo ngại" về "sự thân cận" của hải quân Trung Quốc với các nước Ấn Độ Dương như Myanmar. Trên tạp chí quân sự Jane, ông cho rằng Bắc Kinh đang giúp Rangoon hiện đại hoá các căn cứ hải quân, để có thể hỗ trợ các chiến dịch của tàu ngầm Tung Quốc trong khu vực. Singh khẳng định quân đội Ấn Độ đang "theo dõi sát sao" những diễn biến trên các vùng biển có tầm quan trọng sống còn với thương mại và dầu lửa của nước này.
Để trung hoà ảnh hưởng rất mạnh của Bắc Kinh đối với Rangoon, 5 năm trước, Ấn Độ đã thuyết phục các nước Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka và Thái Lan thành lập một nhóm hợp tác kinh tế. Tuy nhiên hiệu quả của liên minh này còn quá khiêm tốn.
Tính cạnh tranh được thể hiện cả trong vấn đề kỹ thuật ngoại giao. Ngay trước cuộc gặp này, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã chiếm thế thượng phong khi dùng dằng không tuyên bố chính thức thời điểm chuyến đi của ông Vajpayee. Trong khi đó thì có tới 3 quan chức cấp cao của Ấn Độ nói với báo giới rằng Thủ tướng của họ sẽ tới Bắc Kinh cuối tháng 6. Giới quan sát cho rằng, với "sai lầm kỹ thuật" đó, New Dehli đã bị lộ sự nôn nóng muốn giải quyết các vấn đề với người láng giềng. Nếu chuyến đi không diễn ra, ông Vajpayee sẽ bị mất thể diện, và điều này chính là thuận lợi cho Bắc Kinh trong đàm phán về các tranh chấp.
Tuy nhiên, Bắc Kinh và New Dehli không phải không có những quan tâm chung. Ấn Độ từ lâu đã đau đầu về chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới ở Kashmir, còn Trung Quốc phải đối mặt với các vấn đề gai góc ở miền tây đòi tự trị. Cả hai đã cùng cam kết theo đuổi các mục tiêu lớn trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Mỹ phát động, đặc biệt là khi có liên quan đến lợi ích quốc gia. Hai nước lớn ở châu Á này đều có mối quan hệ lâu dài và phức tạp với Pakistan, nơi mà nhiều phần tử khủng bố chọn trú ngụ.
Trung Quốc và Ấn Độ, từng là những cường quốc khi xưa, đang trên đường lấy lại vị trí của mình là những nước lớn. Nếu hai bên có thể giải quyết những bất đồng, hợp tác và can dự sâu hơn, họ có thể tạo nên một bình diện mới, và có vai trò quyết định với tương lai châu Á trong một thế giới phi đơn cực - mục tiêu mà cả hai cùng tuyên bố công khai.
T. Huyền (theo Asia Times, IHT)