Ảnh vệ tinh được Forbes công bố hôm 17/8 cho thấy hai tiêm kích tàng hình Chengdu J-20 của Trung Quốc đậu tại căn cứ không quân Hotan, khu tự trị Tân Cương. Đây là căn cứ gần nhất của không quân Trung Quốc với Aksai Chin, cách khu vực tranh chấp với Ấn Độ khoảng 320 km.
Căng thẳng biên giới Ấn - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt bất chấp nhiều cuộc đàm phán giữa quan chức hai nước nhằm rút bớt lực lượng quân sự trong khu vực. Mâu thuẫn tại khu vực tranh chấp giữa hai bên nổ ra từ đầu tháng 5, với đỉnh điểm là vụ ẩu đả chết người hôm 15/6 tại Thung lũng Galwan, nằm giữa Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát và Ladakh do Ấn Độ kiểm soát.
Hồi tuần trước, Ấn Độ cũng triển khai 5 tiêm kích Dassault Rafale mới nhận từ Pháp tới bay huấn luyện ở khu vực Ladakh. Các phi công Ấn Độ thực hành bay đêm với tiêm kích Rafale trên địa hình đồi núi của bang Himachal Pradesh.
Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc có ưu thế hơn về tiêm kích khi hoạt động trên dãy Himalaya. Tiêm kích J-20 có thể giành ưu thế trên không nhờ khả năng tàng hình tránh bị radar phát hiện và đạt được tốc độ vượt âm.
Các tiêm kích Rafale, được chuyển tới Ấn Độ ngày 29/7, được trang bị công nghệ giảm nguy cơ bị radar đối phương phát hiện, nhưng không phải tàng hình. Tiêm kích Rafale sử dụng hệ thống quét điện tử chủ động cho phép theo dõi nhiều mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết.
Tuy nhiên, Rafale nhỏ và nhẹ hơn so với tiêm kích J-20. Rafale có thể đạt tốc độ tối đa Mach 1.8 với tầm bay chiến đấu khoảng 1.850 km, còn tốc độ tối đa của J-20 là Mach 2 và tầm bay chiến đấu hơn 2.000 km.
Các ngọn núi thuộc dãy Himalaya cao trung bình hơn 8.000 m, khiến trần bay trở thành yếu tố quan trọng đối với máy bay hoạt động trong khu vực. Trần bay của Rafale khoảng 16.000 m, trong khi J-20 có thể bay ở độ cao hơn 20.000 m.
Bất chấp J-20 được coi có lợi thế hơn Rafale khi hoạt động trên dãy Himalaya, vấn đề động cơ chưa được khắc phục làm ảnh hưởng đến hiệu suất chiến đấu của mẫu tiêm kích tàng hình Trung Quốc, làm giảm khả năng cơ động và tàng hình khi bay ở tốc độ vượt âm.
Không quân Trung Quốc không tiết lộ số lượng J-20 đang có trong biên chế. Một số chuyên gia ước tính lực lượng này sở hữu ít nhất 50 chiếc J-20. Không quân Ấn Độ đặt hàng 36 tiêm kích trong thỏa thuận trị giá 9,4 tỷ USD ký với Pháp năm 2016, lô hàng dự kiến được giao trong 5 năm.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)