Bác sĩ phẫu thuật Melvin Look, Bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore, cho biết tỷ lệ mắc ung thư dạ dày trong dân số chung đã giảm do người dân biết trữ lạnh thức ăn và cải thiện chế độ ăn uống theo hướng lành mạnh hơn. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những loại ung thư phổ biến nhất thế giới, bởi nhiều nguyên nhân.
Ung thư dạ dày phổ biến ở người châu Á hơn châu Âu. Điều này do virus Helicobacter pylori (HP) vốn là tác nhân gây ung thư thường gặp ở người châu Á. Bên cạnh đó, nguy cơ cao ung thư dạ dày thường gặp ở nhóm có người thân bị bệnh này, trên 40 tuổi, hút thuốc, ăn nhiều thực phẩm xông khói hay muối chua. Nghiên cứu cho thấy lượng sodium cao trong thực phẩm muối chua có thể gia tăng nguy cơ cao huyết áp và ung thư dạ dày nếu ăn thường xuyên.
Thống kê cho thấy, đa số bệnh nhân ung thư dạ dày phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, đã di căn khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn. “Hơn 80% bệnh nhân khi được chẩn đoán ung thư dạ dày đều ở giai đoạn 3 hoặc 4, 20% trong số đó đã di căn đến các bộ phận khác. Chỉ khoảng 10% được phát hiện ở giai đoạn sớm”, bác sĩ Melvin cho biết.
Những triệu chứng thường gặp của ung thư dạ dày là đau dai dẳng và khó chịu vùng bụng trên, buồn nôn, sụt cân, mất vị giác. Ở những trường hợp nặng, dạ dày có thể bị xuất huyết hay thủng khiến bệnh nhân ói ra máu hoặc đi cầu phân đen.
Theo khuyến cáo, những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên tầm soát ung thư dạ dày định kỳ. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định tầm soát ban đầu bằng nội soi dạ dày đối với những bệnh nhân bị đau phần bụng hoặc dạ dày, đặc biệt là người trên 40 tuổi, có những dấu hiệu nghiêm trọng như nôn mửa, sụt cân và đi ngoài phân màu đen. Người trẻ tuổi có người thân bị ung thư dạ dày không cần phải nội soi mà chỉ cần làm xét nghiệm kiểm tra hơi thở để tìm vi khuẩn HP.
"Nếu bạn có người thân mắc bệnh ung thư dạ dày, bạn nên thực hiện nội soi dạ dày khi 40 tuổi dù không có bất kỳ triệu chứng nào", bác sĩ khuyên. Theo ông, nội soi dạ dày là thủ thuật đơn giản sử dụng một ống mềm nhỏ đưa vào miệng bệnh nhân và đến dạ dày, theo đó bác sĩ có thể quan sát bên trong để tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng.
Theo các chuyên gia, nội soi là một thủ thuật rất an toàn, chỉ mất khoảng 10 phút và cũng không đau hay khó chịu, chỉ cần nhịn ăn trước 6 tiếng. "Trong khi thực hiện, chúng tôi sẽ kiểm tra và chỉ định điều trị một tuần bằng kháng sinh nếu phát hiện có vi khuẩn HP. Việc loại bỏ vi khuẩn HP này sẽ làm giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư về sau", ông Melvin giải thích thêm.
Lựa chọn phương pháp điều trị ung thư dạ dày tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi bệnh nhân. Ở giai đoạn đầu, bác sĩ có thể loại bỏ các mô bị bệnh bằng phương pháp nội soi mà không cần phẫu thuật, với tỷ lệ chữa khỏi gần 100%. Nếu ung thư đã tiến triển thì cần phải phẫu thuật kết hợp xạ trị hoặc hóa trị để giảm nguy cơ tái phát. Cơ hội sống sót của bệnh nhân phụ thuộc nhiều vào giai đoạn bệnh sớm hay muộn, do đó phát hiện càng sớm thì cơ hội sống sót càng cao.
Thi Ngoan