Chuyện đãi đằng, xã giao vốn vậy, dù biết thừa vẫn phải gọi, và không phải lúc nào cũng tiện gói ghém mang về.
Tình trạng thức ăn thừa trên đĩa, từ mâm cơm gia đình cho đến bữa tiệc đãi khách, dần phổ biến vài thập kỷ gần đây, khi người Việt gần như thoát khỏi nỗi lo "cơm không đủ no, áo không đủ ấm". Từ chỗ sợ thiếu ăn, nhiều người chuyển sang thái cực ăn ngon, ăn chảnh, ăn thừa thãi. Nhu cầu tụ họp ăn uống nhàn nhã đưa các gia đình, nhóm bạn dịch chuyển dần từ căn bếp ra nhà hàng. Sự thoải mái của điều kiện sống, và trong nhiều trường hợp là căn tính sĩ diện, khiến nhiều người không biết xót ruột đồ ăn thừa, dẫn đến tình trạng đổ bỏ khối lượng lớn.
Báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc FAO cho thấy, có tới 30% thực phẩm bị lãng phí trên con đường từ trang trại tới bàn ăn, tương đương 1,3 tỷ tấn mỗi năm - đủ để nuôi sống người dân ở ba châu lục gồm: châu Phi, châu Mỹ và châu Âu trong vòng một năm. Việt Nam đứng thứ 12 khu vực châu Á - Thái Bình Dương về GDP, nhưng đứng thứ hai về lãng phí thực phẩm, với con số có thể khiến chúng ta giật mình: gần 4 tỷ USD mỗi năm. Để so sánh, con số này còn lớn hơn thiệt hại do cơn bão thế kỷ Yagi vừa gây ra (3,3 tỷ USD). Sức sản xuất của Việt Nam chưa phải là cao so với thế giới, nhưng sức lãng phí thì không thua kém ai, xét về số liệu chỉ xếp sau Trung Quốc - đất nước có số dân gấp 14 lần Việt Nam.
Nhưng lãng phí thức ăn không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Khi nền kinh tế tiêu dùng trỗi dậy, nhiều quốc gia đối diện với thực trạng này. Và chính quyền nhiều nước đã bắt tay vào giải quyết, bằng các sách chủ yếu tập trung vào việc nâng cao nhận thức, giúp điều chỉnh hành vi.
Tại Trung Quốc, từ hơn 10 năm trước đã xuất hiện chiến dịch "Sạch bát sạch đĩa", cổ vũ toàn dân khi đã ngồi vào bàn là ăn hết mọi thứ trên đĩa, thậm chí có thể ăn sạch bóng như đĩa CD, tránh lãng phí thực phẩm. Các nhà lãnh đạo nước này kêu gọi kiên quyết chấm dứt các hành vi lãng phí trong ăn uống, nuôi dưỡng thói quen tiết kiệm, tạo bầu không khí trong toàn xã hội coi lãng phí là đáng xấu hổ và tiết kiệm là đáng tự hào.
Gần đây, chiến dịch này lại được tái khởi động, sau những khó khăn do đại dịch gây ra, cũng như sự bùng nổ của phong trào livestream Mukbang (phát sóng trực tiếp cảnh ăn uống đắt đỏ và thừa mứa) gây lãng phí thực phẩm khủng khiếp, do giới trẻ thực hiện.
Tại Nhật Bản, chính phủ ban hành riêng Luật Tái chế thực phẩm, áp dụng từ năm 2001, quy định rõ ràng trách nhiệm của các nhà hàng, khách sạn, nhà sản xuất, chế biến, buôn bán thực phẩm trong việc chống lãng phí thức ăn.
Châu Âu cũng ban hành nhiều quy định, nhiều hệ thống và ứng dụng thông minh để tận dụng thực phẩm thừa, phân phối lại thức ăn sao cho số lượng đồ ăn phải đổ bỏ là tối thiểu. Phần mềm "Too Good to Go" ra đời tại Đan Mạch, "Frigo zéro gaspi" (Tủ lạnh không lãng phí) ở Pháp, Winnow Vision - một công cụ sử dụng AI của Anh... là những ứng dụng có ảnh hưởng lớn trong hoạt động chống lãng phí thực phẩm.
Lãng phí thức ăn không chỉ ảnh hưởng tới nếp sống và kinh tế của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mà còn đe dọa sức khỏe nền kinh tế của mỗi quốc gia, và an ninh lương thực của toàn thế giới. Nạn đói nghe có vẻ xa xôi, nhưng chúng mới trôi qua ở Việt Nam cách đây không lâu, và vẫn còn đang hiện hữu ở nhiều nơi trên địa cầu. Vứt đi hàng tỷ đôla thực phẩm chắc chắn là vấn đề không hề nhỏ, ngay cả đối với những nước đã giàu, chưa nói đến quốc gia còn khó khăn như Việt Nam.
Một nước đứng thứ hai khu vực châu Á - Thái Bình Dương về lãng phí thức ăn không thể coi nhẹ thực trạng này. Đây không hẳn là vấn đề pháp lý hay đạo đức, không dễ điều chỉnh bằng các quy định hoặc mệnh lệnh hành chính, nhưng hoàn toàn có thể tác động điều chỉnh hành vi bằng việc nâng cao nhận thức, văn hóa tiêu dùng. Các ứng dụng công nghệ cũng cần được nghiên cứu, triển khai và áp dụng, nhằm cung cấp cho người dân công cụ thiết thực để tính toán hợp lý lượng thức ăn có thể dung nạp mỗi ngày. Tôi nhớ mãi kinh nghiệm được người bạn thân chia sẻ hàng chục năm trước, khi tôi bối rối trong lần đầu chuẩn bị một bữa tiệc lớn tại nhà. Anh nói, mỗi người trưởng thành chỉ có thể tiêu thụ tối đa ba lượng thịt mỗi bữa ăn (chưa tính rau quả), hãy căn cứ vào đó để tính toán, điều chỉnh lượng thịt cá và rau quả phụ trợ. Ăn nhiều quá, thì khổ cho cơ thể, mà vứt đi thì phải tội. Công thức "ba lượng thịt" từ đó về sau trở thành chìa khóa vàng cho tôi giải các bài toán mua sắm, gọi đồ từ chợ cho tới nhà hàng.
Với nhiều bạn trẻ hiện nay, ăn uống "có tính toán" là một điều xa lạ, bởi thanh thiếu niên chỉ biết đến nạn đói qua sách giáo khoa, nên thường coi việc có đồ ăn là chuyện đương nhiên. Bố mẹ muốn con ăn, còn phải nịnh nọt. Một số bạn trẻ chỉ ăn uống theo sở thích, không thích là sẵn sàng vứt bỏ, bất kể là đồ ăn ở nhà hàng hay tại gia đình. Không khó để chứng kiến những bữa liên hoan tại lớp học, bố mẹ hò nhau góp quỹ mua cho con, nhưng các cháu ngồi ăn chỉ gẩy gẩy hai miếng. Rồi khi tiệc tàn, đến nửa số suất ăn vẫn còn trong hộp, sau đó sẽ bị tống thẳng vào thùng rác.
Thể diện hay sở thích, tất cả đều quan trọng. Nhưng thể diện không nằm ở chỗ chúng ta có nhiều tiền để gọi đồ thừa mứa hay không, mà nằm ở chỗ biết tiêu dùng thông minh và văn minh. Ăn hết không có gì phải ngượng, để thừa mới là chuyện đáng buồn.
Tiết kiệm chính là một phần không thể tách rời của cuộc sống văn minh, và là hành động có trách nhiệm, đáng tôn trọng.
Trịnh Hằng