Yêu cầu của chị là mâm quả phải mang ý nghĩa "sung túc - vẹn toàn - tấn tài tấn lộc", trong khi cỗ cúng dâng tổ tiên phải đủ bốn món luộc, ba món rán, hai món xào và một bát canh mọc ngũ sắc. Giá mỗi mâm khoảng 1,2 triệu đồng cho gia đình 6 người.
"Chỉ với một cuộc điện thoại tôi đã có một mâm cỗ tươm tất. Giá không quá cao so với tự chuẩn bị, mà lại có cỗ đẹp mắt, ngon miệng bởi hai vợ chồng đều nghỉ Tết muộn, còn bố mẹ đã già yếu", chị Hồng Thanh ở quận Hoàng Mai, chia sẻ.
Sử dụng dịch từ năm 2019, người phụ nữ 35 tuổi nói đặt cỗ giúp chị giải phóng sức lao động, giảm áp lực làm việc nhà. Tình cảnh tất tưởi chạy ngược xuôi khắp các siêu thị lớn nhỏ và chợ truyền thống mong mua đủ đồ cúng, hay sát giờ lễ mà vẫn chiên, xào dưới bếp... đã chấm dứt. "Đi làm về tôi đã thấy mâm ngũ quả, hoa cắm, cho đến các món ăn được bày biện đẹp mắt, chỉ cần dâng hương cúng", chị nói.
Lễ Tết cũng vì thế mà nhẹ nhàng hơn. Chị có thêm thời gian hoàn tất công việc còn dở, dọn dẹp nhà cửa, chơi cùng con và chăm sóc cho bản thân. Hơn thế, lượng đồ nấu cũng được căn tính đủ cho 6 người ăn, tránh được tình trạng cả Tết ăn đồ thừa.
Sáng 23 tháng Chạp, Ý Nhi, 32 tuổi, quận Hoàn Kiếm sang đúng giờ mẹ chồng hẹn để làm cơm cúng, nhưng tới nơi đã thấy mẹ đã thắp hương. Nàng dâu mới bứt rứt, chờ mẹ cúng xong liền hỏi ngay "Sao mẹ hẹn con sang muộn thế?". "Hôm nay làm vèo cái đã xong nên mẹ thắp hương luôn", bà Thu Hòa, mẹ chồng Nhi, nói.
Từ hôm đó đến nay, bà Hòa khoe khắp xóm năm nay có con dâu đặt món, làm cỗ nhàn tênh. Nào nem tôm bò, thịt ba rọi quay, chim quay, chả nướng, lạp xưởng Tây Bắc, giò lụa, đến cả gà luộc cũng mua sẵn. "Tôi chỉ làm thêm đĩa rau củ xào và canh mọc", bà nói.
Ý Nhi cho biết cả mẹ chồng và mẹ đẻ chị đều là dâu trưởng bếp núc rất giỏi, có thể một tay lo chục mâm cỗ. Cả tuổi thơ Nhi phụ mẹ. Vì dọn dẹp, cỗ bàn mệt quá, có năm đêm Giao thừa, mấy mẹ con lăn ra ốm, ba ngày Tết không ra được khỏi nhà.
Khoảng 5 năm nay khi xuất hiện đồ ăn sẵn, Nhi quyết đặt về cho gia đình để giải phóng khỏi bếp núc. "Ngoài việc bận tối mặt, đầu óc lúc nào cũng quay đơ nghĩ việc, dù mình có cố gắng nấu đi nữa cũng mất hai tiếng cho một bữa cơm nhà, riêng cỗ không dám tưởng tưởng", Ý Nhi, làm trong ngành dịch vụ, chia sẻ.
Bù lại, các mẹ muốn ăn gì, Nhi lại rất thạo rất nhiều quán ngon khắp Hà Nội. Để được như vậy, cô hay "tàu ngầm" trong các group chia sẻ quán ăn, đọc kỹ những review, rồi ăn thử.
Tết nào cô cũng đặt món giò hoa ngũ sắc của một tiệm nằm trong ngõ nhỏ ngoằn ngoèo ở quận Ba Đình, nơi giá cao gấp rưỡi. Hoặc chả cá, gia đình cô chỉ trung thành với một địa điểm ở Hàng Bông. "Có một cửa hàng bánh chưng nổi tiếng nhiều người khen, nhưng tôi mua về ăn thì thấy dở, gạo chưa dền, nhân nhạt nhẽo", Ý Nhi cho biết.
Không chỉ những người trẻ, nhiều phụ nữ trung niên, cao niên cũng giải phóng mình khỏi bếp núc với dịch vụ đặt cỗ. Bà Thanh Huyền, 75 tuổi, Hải Phòng cho biết trước 2019 khi chồng còn sống, để có mâm cỗ dâng tổ tiên lúc 10 giờ, bà phải dậy đồ xôi từ 4 giờ sáng, sau đó đi chợ mua đồ về nấu cỗ.
"Nhà đông con cháu, lần nào làm cỗ cũng phải vài mâm, nhưng bọn trẻ đều bận nên vợ chồng tôi phải túc tắc làm. Chỉ ngại khoản phải bê mâm cỗ lên phòng thờ ở tầng 5", bà kể.
Từ ngày chồng mất, sức khỏe yếu hơn, một mình không kham nổi cỗ bàn, lại không muốn phiền con cháu, bà Huyền thử tìm đến dịch vụ nhận nấu cỗ. Sau khi chọn món, chốt mâm cỗ giá từ 1,8 triệu đồng đến 2 triệu đồng cho 10 người, nhân viên của dịch vụ sẽ chế biến sẵn, giao đến tận nhà và hỗ trợ bà bày biện trên bàn thờ. Riêng các mâm cỗ chuẩn bị cho ngày mùng 1 và lễ hóa vàng, đơn vị sẽ đóng gói, giao vào 30 Tết, trữ tủ lạnh, khi cúng sẽ mang ra hâm nóng.
Ngoài lễ Tết hoặc giỗ chạp, mỗi lần về quê hoặc đi tảo mộ, cụ bà 75 tuổi cũng liên hệ đặt cỗ sẵn.
Dịch vụ nấu cỗ ngày Tết không mới mẻ nhưng trước đây chỉ có những đơn vị nấu cỗ tiệc chuyên nghiệp triển khai, nay nhiều siêu thị, các cửa hàng ăn nhỏ, người bán online cũng tham gia. Đến nay hình thức này đã có ở hầu khắp các tỉnh thành. Tùy vào yêu cầu và số lượng món khách hàng yêu cầu, mức giá dao động từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Vinh, giám đốc đơn vị cung cấp dịch vụ thực phẩm sơ chế và đặt cỗ theo yêu cầu tại Hà Nội, mở dịch vụ nấu cỗ vào cuối năm 2019, nhằm hỗ trợ chị em phụ nữ có mâm cỗ tươm tất, giá đúng bằng tự đi chợ mua đồ nấu.
"Ngay trong những ngày đầu khai trương dịch vụ đã có hàng trăm đơn hàng đổ về. Chúng tôi thực sự hiểu rằng chị em phụ nữ thực sự quá bận rộn và khao khát được giải phóng khỏi công việc bếp núc hàng ngày", ông Vinh nói.
Theo vị giám đốc, tệp khách hàng của đơn vị rất đa dạng từ phụ nữ trẻ bận rộn, chưa có kinh nghiệm nấu nướng cho đến người lớn tuổi. "Để có một mâm cỗ chu toàn đòi hỏi người nội trợ phải chuẩn bị rất nhiều thứ. Thông thường các chị em phải chuẩn bị trước vài ngày mới kịp. Với dịch vụ của chúng tôi, khách hàng chỉ mất 5 phút đặt là có ngay một mâm cỗ như ý", ông Vinh nói.
Hiện mỗi năm, dịch vụ của ông Vinh cung cấp ra thị trường vài nghìn mâm cỗ. Lượng khách đặt nhiều từ Tết ông Táo đến rằm tháng Chạp. Năm nay đơn hàng tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều thời điểm phải từ chối khách do quá tải.
Các món ăn trong mẫm cỗ cúng của đơn vị đều là những món cơ bản như bánh chưng, xôi cá chép, khoanh giò, gà luộc, canh măng, rau xào, canh bóng ngũ sắc... Các mâm cỗ được ưa chuộng nhất thường do cái tên và món ăn phù hợp với ý nghĩa của năm. Như hai năm dịch, mâm cỗ Bình An tiêu thụ nhiều nhất, còn năm nay khách hàng lựa chọn mâm Sức khỏe, Tài Lộc nhiều hơn.
Vào Tết này, tiệm của chị Quỳnh Vũ, một người bán đồ ăn sẵn online ở Hà Nội phục vụ nhiều món từ gà ri ủ muối, nem, bánh chưng, giò tai nấm, chả cá... Trong đó, món gà và nem của tiệm phải ngừng nhận đơn từ 20 tháng Chạp. "Tôi đã đăng tải ngừng nhận đơn, nhưng cuộc gọi đặt hàng của khách vẫn đổ về dồn dập", chị cho biết.
Món nem rán luôn có trên mâm cỗ ngày Tết. Tiệm chị Quỳnh có 5 loại nem khác nhau, giá rẻ nhất nem thịt cũng từ 150.000 đồng cho một chục, còn các loại đắt như nem cua bể, nem ốc vẫn hút khách mua. "Dịp Tết này có những gia đình thanh toán hàng triệu đồng tiền nem mà không có sức làm", chị nói.
Cỗ Tết online đã dần phổ biến với các gia đình bận rộn. Tuy nhiên không phải ai cũng có cái nhìn thiện cảm với nó. Chị Thanh cho biết, không ít họ hàng, làng xóm biết chị đặt cỗ thay vì nấu, đã chê cười rằng đánh mất giá trị truyền thống. Nhưng người phụ nữ 35 tuổi bỏ ngoài tai bởi được giải phóng bếp núc. Hơn nữa cách làm của chị được cả chồng và bố mẹ ủng hộ.
Bà Huyền cho biết không chỉ đặt cỗ lễ Tết, mà những lần trong nhà có việc, bà đều đặt. Ăn xong chỉ xếp bát vào một góc, sẽ có người đến thu dọn thay vì mất hàng tiếng nấu cỗ, dọn rửa. Việc của bà chỉ là tính lượng người ăn để đặt, tránh thừa.
"Tết là để nghỉ ngơi, bố mẹ, con cái trò chuyện chứ không phải vùi đầu trong bếp. Truyền thống làm cơm cúng dâng ông bà tổ tiên cần giữ, nhưng cái gì hợp cuộc sống thì nên áp dụng, chứ không nên khư khư nếp cũ", bà nói.
Năm đầu tiên làm dâu nhưng Ý Nhi không có áp lực như những cô bạn cùng lứa về mâm cỗ truyền thống Hà Nội 6 bát 8 đĩa. Chị chi khoảng 5 triệu đồng đặt cỗ Tết cho hai bên nội, ngoại, trong đó không cả mâm mà riêng lẻ từng món ở những quán ngon nhất.
Mẹ đẻ chị Nhi không phản đối cô con gái chuyên đặt ship, nhưng tính tỉ mỉ nên có lúc khen, lúc chê đồ ăn. Riêng mẹ chồng, giờ đây dịp nào cũng bảo Nhi "oder" hộ và nàng dâu xem đây chính là lời khen.
"Dịch vụ đặt cỗ thực sự là cứu tinh cho những người bận rộn, lại chỉ muốn ăn ngon như mình", Nhi nói.
Quỳnh Dương