Sau hàng chục năm nằm lại biên giới, những người lính hy sinh trong các cuộc chiến bảo vệ Vị Xuyên về cạnh gần 1.800 đồng đội trong nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia. Lễ an táng do UBND tỉnh Hà Giang, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang tổ chức. Hàng nghìn cựu chiến binh, người dân về dự lễ.
10 hài cốt tìm thấy trong quá trình quy tập kéo dài gần một tháng. Trong số này chỉ xác định được danh tính liệt sĩ Nguyễn Văn Sái, đội viên du kích xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. 9 hài cốt còn lại tìm thấy ở các xã Thanh Thuỷ, Minh Tân và chưa xác định được danh tính. Trên bia mộ ghi "Liệt sĩ chưa xác định được thông tin". Các hài cốt đã được lấy mẫu gửi sang Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang để giám định, lưu giữ ADN, phục vụ công tác nhận thân nhân sau này.
"Việc xác định thông tin hài cốt, tìm kiếm gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, chủ yếu là núi cao, thung sâu", ông Nguyễn Văn Sơn, Phó bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang thông tin.
Từ sau chiến tranh 1979, căng thẳng tại biên giới phía Bắc Việt Nam liên tục diễn ra với nhiều đợt tấn công từ phía Trung Quốc. Hà Giang là nơi chiến sự tiếp diễn khốc liệt suốt mười năm. Ngày 2-27/4/1984, Trung Quốc tiến hành đợt pháo kích lớn nhất, liên tục xuống địa bàn huyện Vị Xuyên. Cuộc tấn công kéo dài sáu năm sau đó đã rót khoảng 2 triệu quả đạn pháo, hơn một nửa là đạn cối xuống biên giới Vị Xuyên. Có nơi như điểm cao 685 bị bạt đến 3 mét, trở thành "lò vôi thế kỷ".
Quân của 9 đơn vị chủ lực Việt Nam thay phiên nhau bổ sung cho chiến trường. Nhiều đợt nhập ngũ diễn ra, hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Vị Xuyên. Công tác quy tập nhiều năm qua gặp khó do hài cốt nằm chủ yếu ở thung khe, bìa rừng, hẻm núi trên phạm vi rộng, địa hình phức tạp và quá nhiều bãi mìn, vật liệu nổ. Ước tính còn khoảng 2.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập.
Hoàng Phương