Lực lượng an ninh Myanmar ngày 20/3 tới từng ngôi nhà ở thành phố Yangon, yêu cầu dân địa phương tháo dỡ và dọn chướng ngại vật được dựng trên các tuyến phố. Những rào chắn này do người biểu tình dựng lên bằng các vật liệu sẵn có như bao cát, thùng rác, tre, lốp xe và gạch đá.
Các cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều nơi tại Myanmar để phản đối quân đội đảo chính và bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, khiến lực lượng chức năng nước này sử dụng hơi cay, đạn cao su và đạn thật để trấn áp.
Tun Hla, người đàn ông 60 tuổi sống tại Yangon, cho biết các nhân viên an ninh đập cửa nhà ông và yêu cầu tham gia phá dỡ một chướng ngại vật trong khu phố. "Tôi từng trải qua tình huống này trước đây và đáng lẽ nó không nên lặp lại", Tun Hla nói và cho biết ông cùng hàng xóm dọn bao cát và cọc tre trên đường.
Sabel, 20 tuổi, cho biết binh sĩ đã chĩa súng ép cô và mẹ tháo dỡ chướng ngại vật trên con phố gần nhà. "Tay tôi bị trầy xước hết cả, rất đau", Sabel cho hay, nói thêm rằng cô nhìn thấy lực lượng an ninh ép hai thiếu niên dỡ bao cát và tháo hàng rào tre trên phố.
Tại thị trấn Aungban thuộc bang Shan, lực lượng an ninh Myanmar tới dỡ chướng ngại vật trên phố song bị dân địa phương ngăn lại. Các nhân viên an ninh ban đầu sử dụng hơi cay để đẩy lùi đám đông, song đụng độ bùng phát và họ nổ súng. Ít nhất 8 người thiệt mạng.
Các cuộc biểu tình tại Yangon, trung tâm thương mại của Myanmar, khiến chính quyền nước này ban lệnh thiết quân luật tại 6 quận với gần hai triệu dân. Nhiều người rời khỏi Yangon sau khi giới chức Myanmar ban hành lệnh phong tỏa tại thành phố này.
Tối 19/3, binh sĩ tiếp tục nổ súng tại thị trấn Mogok, khiến hai người thiệt mạng. Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết tổng cộng 237 người đã bị bắn chết trong các cuộc biểu tình chống đảo chính cho tới nay.
Đến sáng nay, một số cuộc biểu tình nhỏ vẫn diễn ra ở vài địa phương. Tại Mandalay, một chiếc xe bất ngờ lao vào đám đông biểu tình, khiến vài người bị thương. Hiện chưa rõ động cơ của tài xế chiếc xe này. Tại thị trấn Monywa, hàng trăm người tiếp tục tuần hành phản đối chính quyền quân sự.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên án quân đội Myanmar tiếp tục hành động bạo lực với người biểu tình, cho rằng cộng đồng quốc tế cần có "phản ứng thống nhất, vững chắc" với cuộc khủng hoảng ở nước này.
Nhiều nước phương Tây đã lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, yêu cầu chấm dứt bạo lực và trả tự do cho bà Suu Kyi. Mỹ cũng đã áp lệnh trừng phạt với một số tướng quân đội Myanmar sau cuộc đảo chính.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)