Cuộc truy bắt của cảnh sát được thực hiện với những thanh niên đang trốn trong nhà dân tại quận Sanchuang, thành phố Yangon. Họ cũng cảnh báo trừng phạt những người bao che.
Phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết Tổng thư ký Antonio Guterres kêu gọi "kiềm chế tối đa, trả tự do cho mọi người một cách an toàn". Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Myanmar cùng đại sứ quán Anh và Mỹ cũng kêu gọi lực lượng an ninh để người biểu tình rời đi.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy cảnh sát Myanmar sẽ ngừng tay. Người dùng Facebook và hãng tin địa phương MTK cho biết 20 người đã bị bắt tại quận Sanchuang sau khi cảnh sát khám xét các ngôi nhà.
Tại những nơi khác ở Yangon, hàng nghìn người xuống đường biểu tình và kêu gọi thả những thanh niên bị bắt, bất chấp lệnh giới nghiệm ban đêm, khiến lực lượng an ninh nổ súng và sử dụng lựu đạn choáng để giải tán đám đông.
Phát ngôn viên chính quyền quân sự chưa bình luận về sự việc.
Các nhân chứng và truyền thông địa phương hôm 8/3 cho hay ba người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở phía bắc Myanmar và đồng bằng sông Irrawaddy. Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, cảnh sát và quân đội Myanmar đã khiến hơn 50 người thiệt mạng kể từ khi phong trào biểu tình phản đối đảo chính nổ ra.
Myanmar rơi vào hỗn loạn sau khi quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các quan chức cấp cao trong chính quyền dân sự hôm 1/2. Hơn một tháng qua, các cuộc biểu tình diễn ra hàng ngày nhằm yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi, đồng thời tôn trọng kết quả cuộc bầu cử tháng 11/2020 mà quân đội cáo buộc có gian lận.
Anh, Mỹ và một số nước phương Tây khác đã áp đặt những biện pháp hạn chế đối với chính quyền quân sự. Liên minh châu Âu đang chuẩn bị mở rộng các biện pháp trừng phạt, nhắm vào những doanh nghiệp do quân đội Myanmar điều hành.
Ánh Ngọc (Theo Reuters)