Jaspreet Rai, 53 tuổi, nhà sáng lập công ty máy tạo oxy Sanrai International, đã rời Ấn Độ và chuyển đến New York hơn 30 năm trước. Những ngày này, bà tuyệt vọng tìm mọi cách để giúp đồng hương tại quê nhà vốn đang chật vật vì cuộc khủng hoảng Covid-19.
"Đây có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất mà chúng tôi từng phải trải qua", Rai chia sẻ về đội ngũ khoảng 100 nhân viên của mình. Công ty dự kiến cung cấp 30.000 máy cho Ấn Độ trong tháng này. Sanrai International bình thường chỉ xuất khẩu cho Ấn Độ 1.500 máy/năm. Người dân Ấn Độ "đang thoi thóp", Rai chia sẻ.
Không riêng Jaspreet Rai, hàng triệu Ấn kiều trên khắp thế giới đang nỗ lực tương trợ quê hương trong cuộc chiến với đại dịch. Hình ảnh người dân Ấn Độ tuyệt vọng xếp hàng chờ bình oxy, chôn chân trước cửa bệnh viện vì thiếu giường điều trị và những khu hỏa táng liên tục đỏ lửa khiến cộng đồng gốc Ấn ở nước ngoài đứng ngồi không yên.
Số người nhiễm nCoV trong 24 giờ tại Ấn Độ lần đầu tiên vượt mốc 400.000 vào ngày 1/5. Ngày 2/5, ca mới giảm nhẹ nhưng ca tử vong cao kỷ lục ở mức gần 3.700. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng hơn 19,5 triệu ca nhiễm và hơn 215.000 ca tử vong. Cộng đồng Ấn kiều đang ráo riết quyên góp, vận động chính phủ các nước hỗ trợ và cam kết chuyển nhu yếu phẩm cùng trang thiết bị cần thiết về quê hương. Khó khăn thêm chồng chất khi cơ sở hạ tầng y tế tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới đứng bên bờ vực sụp đổ.
"Họ cần cả bác sĩ lẫn bệnh viện. Suốt 3-4 ngày qua, tôi nghĩ mãi nhưng không biết mình giúp gì được. Cũng như nhiều người Ấn Độ, chúng tôi muốn góp sức nhưng không thể tìm ra giải pháp ngắn hạn", Venktesh Shukla, thành viên hợp danh quỹ đầu tư Monta Vista Capital ở California, chia sẻ.
Vào tháng 4, quỹ đầu tư tư nhân TJM Capital Partners của Sudhir Ravi đã nhanh chóng mua lại công ty cung cấp máy tạo oxy cấp quân sự lớn nhất nước Mỹ. Trước tình hình nguy cấp, Ravi tức tốc tìm 11 máy tạo oxy với năng suất công nghiệp ở Mỹ và Đức chuyển về các bệnh viện Ấn Độ. Số máy này có thể đảm bảo nguồn sống cho gần 50.000 bệnh nhân trong 6 tháng tới.
Suốt tuần qua, Ravi cùng Raghu Gullapallu, giám đốc điều hành Viện Mắt LV Prasad ở Hyderabad, tìm mọi cách để chuyển máy, liên hệ dịch vụ từ Amazon và FedEx. Một loạt nhà hảo tâm gốc Ấn cũng cam kết hỗ trợ 100.000 USD chi phí vận tải. Ravi hy vọng số thiết bị này sẽ được đưa lên máy bay vào ngày 5/5.
"Thời gian lúc này được đong đếm bằng sinh mạng", Gullapallu chia sẻ.
Giới tỷ phú và giám đốc điều hành gốc Ấn ở nước ngoài cũng nhảy vào cuộc. Nhà đầu tư công nghệ Vinod Khosla thông báo ông sẵn sàng chất đầy nhu yếu phẩm lên máy bay gửi về quê hương. Google, với CEO là Sundar Pichai, cam kết chi 18 triệu USD tiền mặt cho trang thiết bị y tế và gia đình bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ. Microsoft và CEO Satya Nadella cũng tuyên bố tận dụng mạng lưới quan hệ để vận động nhu yếu phẩm.
Tại Anh, ông trùm ngành thép Lakhshmi Mittal và Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) Karran Bilimoria đang vận động đưa viện trợ đến Ấn Độ càng sớm càng tốt. Công ty Air Liquide SA tại Pháp, đối tác làm ăn với Bilimoria, đồng ý sản xuất thêm oxy y tế gửi sang Ấn Độ. Trong khi đó, mạng lưới của Mittal ở Ấn Độ cung cấp gần 210 tấn oxy lỏng/ngày để giải vây hệ thống y tế. Quỹ từ thiện của anh em tỷ phú Mohsin và Zuber Issa, chủ nhân chuỗi siêu thị Asda tại Anh, cũng quyên góp khoảng 3,5 triệu USD cho 4 bệnh viện bang Gujarat.
Một mối lo khác đối với cộng đồng Ấn kiều về tình hình quê nhà là vaccine Covid-19. Khoảng 2% dân số Ấn Độ được tiêm ngừa. Tỷ lệ này lần lượt tại Mỹ và Anh là 30% và 21%.
Venktesh Shukla cùng khoảng 60 người gốc Ấn có ảnh hưởng đang vận động chính phủ Mỹ nới lỏng kiểm soát nguồn cung vaccine và thuốc steroid để hỗ trợ Ấn Độ. Tuy nhiên, cộng đồng Ấn kiều có quyền lực đến mấy cũng phải chịu thua trước bài toán khan hiếm trang thiết bị và nguyên vật liệu, vận chuyển hàng hóa bị trì hoãn và giới hạn nhân lực.
"Thị trường chỉ có bấy nhiêu máy tạo oxy. Quá nhiều người cùng mua từ một trữ lượng hạn hẹp thì chỉ làm giá tăng thêm. Điều chúng ta đang cần là tăng nguồn cung", Jitesh Gadhia, chính trị gia tại Anh, chia sẻ.
Trung Nhân (Theo Bloomberg)