Caroline Dooner, một nhà văn, 34 tuổi, hiện ở Philadelphia, Mỹ dành cả thời niên thiếu và những năm đầu tuổi 20 để nỗ lực giảm cân.
Cô được bác sĩ chẩn đoán rối loạn nội tiết và phải kiểm soát cân nặng của mình nếu không muốn bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Dooner đã thử áp dụng chế độ ăn Atkins nổi tiếng: ít carbohydrate, nhiều chất béo.
Suốt quá trình đó, cô không ngừng nghĩ về đồ ăn và những món mình yêu thích. Dooner rơi vào vòng luẩn quẩn giảm cân, ăn vô độ, tăng cân và sau đó lại nỗ lực giảm cân. Cô cũng thử các chế độ ăn khác nhưng không có tác dụng.
"Tôi ám ảnh về cân nặng và những gì nạp vào cơ thể", cô nói.
Năm 2019, Dooner quyết định ngừng ăn kiêng. Cô xuất bản một cuốn sách nói về cuộc đấu tranh của mình, chế độ ăn uống và nỗi ám ảnh văn hóa về việc "phải gầy". Hiện, cô hạnh phúc hơn bao giờ hết với cơ thể mình, nữ nhà văn chia sẻ.
Dooner không phải người duy nhất kiệt sức và áp lực với việc giảm cân, khi phải hạn chế ăn các món yêu thích và cố gắng đạt đến một ngoại hình nhất định. Họ đặt câu hỏi liệu có nên từ bỏ hoàn toàn việc ăn kiêng hay không.
Một số người phát hiện rằng phong trào "ăn kiêng như không ăn kiêng" có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai, khi mọi người không cố gắng điều chỉnh trọng lượng của mình. Thay vì dựa vào cân nặng và chỉ số khối cơ thể, các nhóm chuyên gia dinh dưỡng gần đây ủng hộ người muốn giảm cân chú trọng hơn vào dấu hiệu khác như độ bền thể lực, chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tinh thần.
Các chuyên gia ủng hộ xu hướng ăn kiêng kiểu mới cho rằng mọi người nên lắng nghe tín hiệu từ cơ thể, tiếp cận chế độ dinh dưỡng, tập luyện với mục đích "chăm sóc bản thân" hơn là "kiểm soát bản thân".
Các chuyên gia cũng cảnh báo những hình thức giảm cân cấp tốc, ép cân trong thời gian ngắn có tác động xấu đến sức khỏe. Một nghiên cứu phân tích dữ liệu y tế của 9.500 tình nguyện viên cho thấy những người giảm hoặc tăng cân đột ngột trong 5 năm có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ hoặc tử vong cao hơn đáng kể so với người có cân nặng ổn định.
Việc ăn kiêng cực đoan cũng có thể khiến nhiều người mắc chứng rối loạn ăn uống, đặc biệt là người trẻ tuổi hoặc thanh thiếu niên.
Hầu hết bác sĩ và chuyện gia y tế cho biết việc duy trì cân nặng trong phạm vi cụ thể cũng rất quan trọng đối với sức khỏe nói chung. Nguy cơ mắc bệnh và tử vong ở người có chỉ số BMI từ 30 trở lên cao hơn.
Steven Heymsfield, Giám đốc Phòng thí nghiệm Chuyển hóa - Dinh dưỡng tại Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Pennington, ủng hộ cách giảm cân không tập trung vào trọng lượng cơ thể, nhưng không loại bỏ hoàn toàn yếu tố cân nặng. Theo ông, thay vì nhấn mạnh chỉ số khối cơ thể, cộng đồng y tế nên khuyến khích người dân điều trị các vấn đề như cholesterol, huyết áp cao, chăm tập thể dục và hút ít thuốc.
Thực tế, duy trì cân nặng ở một mức nhất định khó khăn hơn giảm cân. Đánh giá tổng hợp 12 nghiên cứu khác nhau về chế độ ăn kiêng cho thấy các tình nguyện viên hầu hết cải thiện cân nặng sau 6 tháng. Song trong một năm tiếp theo, họ quay trở lại mức cân ban đầu.
Bên cạnh đó, các hướng dẫn ăn kiêng thường bỏ qua ảnh hưởng về mặt tâm lý khi phải hạn chế ăn một số loại thực phẩm. Theo chuyên gia dinh dưỡng Christy Harrison, điều này có thể khiến mọi người sợ hãi và ám ảnh với loại thực phẩm đó, dẫn đến rối loạn ăn uống hoặc thói quen ăn uống vô độ.
Thay vào đó, nhiều người ủng hộ việc lắng nghe tín hiệu bẩm sinh của cơ thể, cảm giác no, đói và sở thích ăn uống. Trọng tâm của phương pháp này là từ bỏ việc theo dõi cân nặng và phân loại ẩm thực là "tốt hay xấu". Ý tưởng là càng ít hạn chế ăn một số loại thực phẩm, cảm giác thèm ăn càng giảm. Người ăn kiêng có thể ăn uống đa dạng từ khoai tây chiên, gà rán đến rau củ, hoa quả. Đây gọi là hình thức "ăn uống trực quan".
Đánh giá tổng hợp 24 nghiên cứu công bố vào năm 2016 cho thấy ăn uống trực quan giúp nâng cao động lực tập luyện và độ hài lòng về cuộc sống nói chung. Nghiên cứu khác, công bố năm 2014 cho thấy phương pháp này giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở người trẻ tuổi.
"Trong quan điểm của tôi, béo phì là một bệnh lý y tế. Nhưng chúng ta phải từ bỏ những định kiến đã có, tìm cách tiếp cận hiệu quả hơn, khiến việc giảm cân không trở thành cuộc chiến bất phân thắng bại giữa tâm trí và cơ thể", David Ludwig, giáo sư dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, nhận định.
Ông ủng hộ việc quản lý cân nặng dựa trên nguyên lý sinh học, tập trung vào các nguyên nhân cơ bản gây ra cảm giác đói thay vì hạn chế calo. Ông cho rằng điều này có thể khắc phục các vấn đề của chế độ ăn kiêng thông thường.
Thục Linh (Theo WSJ)