"Đồng nghiệp cũ của tôi không tin bác sĩ, nhưng lại cực kỳ tin những chị có phương pháp thiền 'tự chữa lành'. Mỗi lần đi ăn chung với bạn ấy, tôi vừa đưa đũa lên miệng thì bạn ấy phán ăn cái đó mắc ung thư.
Bạn đã ép bố uống baking soda đến suýt nguy kịch nếu gia đình bên nội không can thiệp. Nhiều người cứ hay nghe bảo uống lá này lá kia tốt là răm rắp làm theo, và rất thích cho người khác lời khuyên liên quan đến sức khỏe.
Nhưng tuyệt nhiên không tự tìm hiểu, thích nghi ngờ bác sĩ".
Độc giả Onion chia sẻ về một trường hợp hoang mang, nghi ngờ khi ăn uống vì lúc nào cũng sợ "bị ung thư". Bình luận này được chia sẻ sau bài viết Nhập viện tâm thần vì hoang tưởng mắc ung thư.
Theo đó, nhiều người đi chụp chiếu, xét nghiệm, áp dụng phương pháp ăn thực dưỡng cực đoan vì lo sợ bị ung thư, thậm chí tâm lý và tài chính bất ổn vì xét nghiệm tầm soát dù kết quả bình thường.
Độc giả tranhungcuong1962 chia sẻ: "Tôi cũng từng bị bệnh lo lắng vì ung thư. Điều đáng nói là khám bệnh xong bác sĩ cũng không thể khẳng định mình có bị ung thư hay không. Chẳng hạn có những nốt nhỏ vài mm ở phổi, hay tuyến giáp. Trong những trường hợp đó phải đợi có khi cả năm sau đến kiểm tra lại mới biết được".
Độc giả phuongtran.tran90 kể từng bị rối loạn lo lâu vì nghiêm trọng hóa khi sức khỏe bản thân có vấn đề: "Ngày xưa mỗi khi đau một xíu thôi là tôi bắt đầu lên Google search. Kết quả ra hàng đống bệnh nguy hiểm. Rồi tự hù mình, cứ một, hai tuần là đi bệnh viện chụp chiếu đủ các kiểu.
Bác sĩ nói không sao, chỉ là rối loạn lo âu. Sau đó tôi đọc nhiều sách về thiền định, tự nói chuyện với bản thân. Sau cùng, ai cũng đi đến cuối cuộc đời giống nhau, hãy sống trọn vẹn từng phút giây và chấp nhận rằng sinh, lão, bệnh, tử là điều tất yếu của cuộc sống".
Độc giả Nam Nguyen Thanh đây là tâm bệnh: "Nếu bị bệnh thật mà việc điều trị bằng liệu pháp y học, kết hợp tư tưởng thoải mái, vô tư hồn nhiên đón nhận cuộc sống thì bệnh cũng sẽ được kiểm soát, kéo dài thời gian sống. Ngược lại tâm trạng lo âu, sợ sệt thì giảm sức đề kháng, ăn uống, thuốc vào cũng như không, dẫn đến bệnh trở nặng, và kết quả rõ ràng là giảm thọ".
Độc giả long ngô chia sẻ bản thân từng bị K:
"Khi điều trị bác sĩ nói tôi không cần kiêng ăn mà ngược lại phải ăn khỏe - đủ chất để còn đủ sức hóa trị. Sau khi ra viện bác sĩ cũng nói không cần ăn kiêng nhưng cái gì nhiều quá cũng không tốt.
Tới giờ, 5 năm sau khi ra viện. Tôi béo lên, tái khám các chỉ số đều bình thường".
Các chuyên gia tâm lý nhìn nhận sợ bệnh ung thư là tâm lý chung của mọi người và có ý thức phòng bệnh là tốt. Tuy nhiên, không nên lo lắng thái quá, phòng bệnh một cách thiếu khoa học, bị lôi kéo vào các hội nhóm tiêu cực càng làm cho chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Để ngăn ngừa ung thư, mọi người nên nâng cao hệ miễn dịch bằng cách ăn thực phẩm lành mạnh, chọn rau củ quả mọng như củ cải đường, cần tây, cà rốt, lựu. Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, duy trì cân nặng hợp lý và tránh béo phì, tập thể dục hằng ngày, thiền, chánh niệm để giảm căng thẳng. Còn với người mắc hoang tưởng bị bệnh, trị liệu tâm lý (liệu pháp hành vi nhận thức CBT) là lựa chọn tối ưu. Trong thời gian đầu, bác sĩ sẽ đồng hành cùng bệnh nhân để nâng cao tư duy phản biện. Sau đó, gia đình, người thân nên sát cánh bên người bệnh để hỗ trợ họ thoát tâm lý sợ hãi mắc ung thư. |
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.