"Chúng tôi có lợi ích chính đáng và hợp pháp trong hòa bình, ổn định và việc tiếp cận có thể đoán định với các tuyến đường thủy chính trong khu vực", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar trả lời báo chí tại New Delhi hôm 1/8 khi được hỏi về diễn biến tình hình Biển Đông gần đây.
Theo ông Kumar, Ấn Độ đã, đang hỗ trợ tự do hàng hải và tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Biển Đông theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 về Luật Biển.
"Biển Đông rất quan trọng vì 55% giá trị thương mại của Ấn Độ đi qua vùng biển này. Tôi không nghĩ đã có bất cứ sự ngưng trệ nào đối với hoạt động khai thác dầu của chúng tôi", Kumar nói khi được hỏi về tình trạng thăm dò dầu khí của Ấn Độ ở Biển Đông.
Trung Quốc từ đầu tháng 7 điều nhiều tàu hải cảnh và dân binh hộ tống tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông, gần vị trí lô dầu khí mà Tập đoàn dầu khí quốc gia của Ấn Độ (ONGC) đang có dự án thăm dò. Việt Nam tuần trước đã thông báo tình hình cho Ấn Độ.
Ấn Độ ngày càng tăng cường sự hiện diện, nâng cao hợp tác với các nước trong khu vực và thể hiện tiếng nói nhiều hơn trong các vấn đề Biển Đông từ khi nước này đưa ra "Chính sách Hành động hướng Đông". Chính sách này cũng được xem là trụ cột để Ấn Độ mở rộng quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, về hợp tác quốc phòng và an ninh.
Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hôm 31/7, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông làm tình hình Biển Đông thêm phức tạp, kêu gọi ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung; tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hòa bình và ổn định. Bộ Ngoại giao Việt Nam trước đó cũng hoan nghênh đóng góp tích cực của cộng đồng quốc tế vào hòa bình, ổn định khu vức. Các ngoại trưởng ASEAN hôm 31/7 ra tuyên bố chung, bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng tại Biển Đông.
Huyền Lê (Theo PTI)