Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ (CBI) ngày 7/3 đột kích 13 địa điểm trên toàn quốc và bắt một số nghi phạm để thẩm vấn. Theo CBI, các nghi phạm hoạt động "trong mạng lưới chuyên dụ dỗ công dân Ấn Độ tới Nga làm việc nhẹ lương cao".
"Những công dân Ấn Độ là nạn nhân của đường dây buôn người phải trải qua đợt huấn luyện chiến đấu, sau đó được điều tới các căn cứ tiền phương trong khu vực diễn ra xung đột giữa Nga - Ukraine, trái với mong muốn của họ", CBI cho biết.
Cơ quan này thông báo đã xác định khoảng 35 công dân Ấn Độ bị đưa đến Nga, sau đó bị điều ra chiến trường. Giới chức Ấn Độ đang tìm kiếm thêm những người là nạn nhân của đường dây trên. Bộ Ngoại giao Ấn Độ trước đó cho biết đang tìm cách cho khoảng 20 công dân nước này trong quân đội Nga được giải ngũ.
Một trong các nghi phạm thuộc đường dây lừa người sang Ukraine chiến đấu là Faisal Khan, sống tại Dubai. Khan quảng cáo việc làm trong quân đội Nga trên kênh blog video của mình.
Khan nói đã giúp 16 người Ấn Độ tới Nga để nhận công việc hỗ trợ trong quân đội, nhưng bày tỏ ngạc nhiên khi các tân binh "được phát súng và quyết định dừng quá trình tuyển dụng".
Ít nhất hai công dân Ấn Độ làm việc trong quân đội Nga đã thiệt mạng trong xung đột giữa nước này với Ukraine. Trong số này có Hemil Mangukiya, 23 tuổi, người bị lừa sang Nga để chiến đấu với Ukraine.
"Hemil nhận thông báo rằng sẽ làm nhiệm vụ hỗ trợ trong quân đội Nga và được huấn luyện trong ba tháng. Tuy nhiên, khi tới Nga, nó phát hiện mình được huấn luyện để ra chiến trường", Ashwin Mangukiya, cha của Hemil, cho biết.
Vài tân binh Ấn Độ hồi tháng 2 cho biết họ gia nhập quân đội vì lời hứa lương cao và tấm hộ chiếu Nga, trước khi được điều ra tiền tuyến.
Những người này cho biết họ được bên tuyển mộ hứa bố trí vào vị trí không chiến đấu trực tiếp, song sau đó phải học cách dùng súng AK và nhiều loại vũ khí khác trước khi ra mặt trận.
Trong video xuất hiện trên mạng xã hội tuần này, 7 người đến từ bang Punjab và Haryana của Ấn Độ cho biết họ bị môi giới lừa ký hợp đồng với quân đội Nga trong chuyến du lịch đến Nga và Belarus vào cuối năm 2023.
Tuy nhiên, nhiều người Ấn Độ sang Nga làm việc cho quân đội nhưng không gặp bất cứ rắc rồi nào. Một người cho biết quân đội Nga "minh bạch thông tin từ đầu và gửi hợp đồng qua mạng", đồng thời cho rằng những người bị điều ra chiến trường "có lẽ bị môi giới lừa gạt, lợi dụng vì không biết tiếng Nga".
Nguyễn Tiến (Theo AFP)