ONGC đã nhận được sự chấp thuận của chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về việc thăm dò các giếng dầu ở khu vực Biển Đông mà tập đoàn từng hoạt động hồi năm 2006, Today Online của Ấn Độ dẫn lời một nguồn tin giấu tên cho biết hôm qua.
Tập đoàn ngày 27/8 cho biết đối tác là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã gia hạn cấp phép hoạt động ở lô 128 đến tháng 6 năm sau. ONGC cũng muốn trở lại khai thác ở lô 06.1, với thời hạn kéo dài đến cuối năm 2022.
Chủ tịch ONGC Dinesh Kumar Sarraf hồi giữa tháng 8 cho hay tập đoàn đang tăng cường sự hiện diện của mình ở mọi nơi và Việt Nam không phải ngoại lệ.
Giới quan sát đánh giá động thái khẳng định quyền thương mại ở khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông này của Ấn Độ có thể là một dấu hiệu cho thấy ông Modi đang cùng Mỹ và các nước Châu Á- Thái Bình Dương "thử" tham vọng của Trung Quốc khu vực này.
"Rõ ràng Ấn Độ có lợi ích ở Biển Đông khi họ tăng cường hợp tác trên biển với Mỹ và Nhật Bản. Chắc chắn việc Trung Quốc hoạt động tích cực ở Ấn Độ Dương khiến Ấn Độ khá lo lắng", ông Ralf Emmers, chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam, Singapore, nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua cảnh báo Ấn Độ tránh khỏi bất kỳ hoạt động khai thác nào ở khu vực đang có tranh chấp. Bắc Kinh cho rằng bất kỳ công ty nước ngoài nào thực hiện hoạt động ở khu vực "thuộc quyền tài phán mà không xin phép là phi pháp".
Khu vực OMGC khai thác cùng PVN ở Biển Đông là khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam. Với yêu sách chiếm gần 80% Biển Đông, Trung Quốc bị nhiều nước chỉ trích vì vi phạm các thỏa thuận và luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Ấn Độ Modi từ khi nắm quyền năm ngoái đã thực hiện chính sách đầu tư cho hải quân và kêu gọi các nước bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Ông cũng tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước trong khu vực, thông qua việc diễn tập hải quân đầu tiên của Ấn với Australia, đồng ý bán cho Việt Nam 4 tàu tuần tra trên biển.
Khánh Lynh