Ông Phạm Bình Minh khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược với Ấn Độ, ủng hộ chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và việc tăng cường kết nối với khu vực Đông Nam Á, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.
Việt Nam hoan nghênh các công ty và doanh nghiệp Ấn Độ sang hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực như năng lượng, thăm dò khai thác dầu khí. Phó Thủ tướng và bà Swaraj cũng trao đổi về những diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông, nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc DOC, sớm xây dựng và hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử COC.
Hôm 22/8, trước khi bà Swaraj đến Việt Nam, tờ Times of India đưa tin Ấn Độ và Việt Nam đã thống nhất gia hạn thời gian cho việc thăm dò dầu khí ở lô 128 ở Biển Đông cho Tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC Videsh Ltd (OVL). Hồi 2012, OVL thông báo ý định chấm dứt hoạt động tại lô này vì không thể tiến hành công tác thăm dò do đáy biển cứng và rằng quyết định rút lui hoàn toàn vì lý do thương mại - kỹ thuật.
Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee sẽ thăm Việt Nam vào tháng 9 tới, và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng dự kiến thăm chính thức Ấn Độ vào tháng 10.
Ngoại trưởng Swaraj cho biết chính phủ mới của Ấn Độ khẳng định coi trọng hợp tác với Việt Nam và cho rằng Việt Nam có một vị thế ngày càng quan trọng trên thế giới. Ấn Độ đánh giá cao về vị thế an ninh - quốc phòng của Việt Nam và mong muốn Việt Nam trở thành đối tác của Ấn Độ trong lĩnh vực này.
Việt Nam và Ấn Độ nhất trí nâng kim ngạch thương mại đạt 7 tỷ USD vào năm 2015 và 15 tỷ USD vào năm 2020. Hai bên cũng hoan nghênh hàng hãng không Ấn Độ Jet Airways dự kiến mở đường bay thẳng giữa hai nước vào tháng 11 năm nay, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động kinh tế, thương mại, văn hóa và du lịch.
Việt Anh