Tên lửa cao 34 m cất cánh từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan trên bờ biển đông nam của Ấn Độ lúc 10h48 hôm nay theo giờ Hà Nội, mang theo hai vệ tinh quan sát Trái Đất EOS 02 và AzaadiSAT, với tổng trọng lượng 143 kg.
"Chuyến bay đầu tiên SSLV đã kết thúc. Tất cả các giai đoạn của tên lửa đã hoạt động như mong đợi. Tuy nhiên, dữ liệu liên lạc bị mất trong giai đoạn cuối cùng. Chúng tôi đang phân tích và sẽ sớm cập nhật tình hình", Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết trong thông báo mới nhất trên Twitter.
SSLV là một phương tiện phóng vệ tinh cỡ nhỏ gồm 4 giai đoạn hay 4 tầng. Trong khi ba giai đoạn đầu tiên chạy bằng nhiên liệu rắn, tầng trên cùng sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng.
Theo kế hoạch, tên lửa sẽ triển khai hai vệ tinh vào quỹ đạo cách mặt đất 356 km sau khoảng 13 phút kể từ lúc cất cánh. Tuy nhiên, không rõ điều đó có xảy ra hay không khi ISRO chưa thể cập nhật dữ liệu.
Nếu sứ mệnh thành công, Ấn Độ hiện có ba tên lửa vũ trụ sẵn sàng hoạt động. SSLV là mẫu nhỏ nhất, có thể mang trọng tải nặng 500 kg lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. Hai mẫu còn lại là phương tiện phóng vệ tinh địa cực (PSLV) với khả năng chở 1.750 kg trọng tải lên quỹ đạo địa cực đồng bộ Mặt Trời và phương tiện phóng vệ tinh địa đồng bộ (GSLV) với khả năng mang trọng tải nặng 5.000 kg và 2.500 kg lần lượt lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp và quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh cao hơn nhiều.
Trong chuyến bay lần này, EOS-02 là trọng tải chính nặng 135 kg. Vệ tinh do ISRO phát triển sẽ cung cấp khả năng viễn thám quang học tiên tiến, hoạt động trong dải tần số hồng ngoại với độ phân giải không gian cao.
AzaadiSAT trong khi đó là một chiếc Cubesat chỉ nặng khoảng 8 kg. Vệ tinh do các nữ sinh Ấn Độ chế tạo hoạt động ở tần số vô tuyến, cho phép truyền thoại và dữ liệu giữa các nhà khai thác vô tuyến nghiệp dư.
Đoàn Dương (Theo Space/ISRO)