Chủ tịch nước nhấn mạnh tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu ở khắp các châu lục tiềm ẩn nguy cơ bùng phát căng thẳng, bất ổn địa chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, an ninh và sự phát triển thịnh vượng ở nhiều khu vực trên thế giới, khi phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ ngày 23/9.
"Đây thực sự là cảnh báo đỏ, là mặt trận không tiếng súng nhưng gây thiệt hại về kinh tế, sinh mạng không kém phần nguy hiểm như chiến tranh, xung đột nóng", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho hay.
Chủ tịch nước đưa ra khuyến nghị về ba nhóm giải pháp mà Hội đồng Bảo An và Liên Hợp Quốc cần quyết liệt hành động trong thời gian tới.
Hội đồng Bảo an cần đi đầu xây dựng các cơ chế đánh giá, dự báo và cảnh báo nguy cơ an ninh khí hậu từ sớm, từ xa để chủ động ứng phó, làm cơ sở cho hoạch định chính sách ứng phó ở cấp độ toàn cầu. Chủ tịch nước đề xuất sáng kiến thiết lập cơ sở dữ liệu tổng thể về tác động đa chiều của tình trạng nước biển dâng.
Lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh cần đặt lợi ích của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, ở vị trí trung tâm để có thể xử lý hài hoà mối liên hệ mật thiết giữa an ninh, phát triển và nhân đạo.
Chủ tịch nước đề nghị cần bảo đảm chủ quyền, vai trò chủ đạo và năng lực tự cường của các quốc gia trong các nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác quốc tế, duy trì cam kết trong Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu và các thoả thuận quốc tế lớn khác.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Thiên tai dồn dập gây nhiều tổn thất về người và của.
Chủ tịch nước khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, phát thải ít carbon. Ông cũng đề cao nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện cam kết quốc tế liên quan ứng phó với biến đổi khí hậu, khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực ứng phó với các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu tại Hội đồng Bảo an, các diễn đàn đa phương và các khuôn khổ hợp tác song phương, khu vực khác.
Theo báo cáo được Liên Hợp Quốc công bố hôm 16/9, hiện tượng nóng lên toàn cầu đang diễn ra nhanh hơn và với tác động xấu đi nhanh hơn so với hầu hết mô hình dự đoán trước đây. Trong 5 năm tới, có 40% khả năng thế giới có thể vượt ngưỡng nóng lên 1,5 độ C, vốn từng được các nhà khoa học và chính phủ trên thế giới xác định là giới hạn mong đợi.
Nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu giai đoạn 2017-2021 là một trong những mức nhiệt cao nhất được ghi nhận, ước tính cao hơn 1,06-1,27 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp (1850–1900). Điều này dẫn đến tác động là các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như sóng nhiệt, hạn hán và bão, đang diễn ra sớm hơn và thường xuyên hơn so với mức nhiều người dự đoán.
Huyền Lê