Quyết định điều thêm quân được đưa ra trong bối cảnh cơ hội Ấn Độ và Trung Quốc sớm đạt được một thỏa thuận nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở biên giới ngày càng giảm sút. Động thái này cũng sẽ làm thay đổi hiện trạng dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) dài 3.488 km và gây thêm áp lực cho ngân sách quốc phòng vốn đã bị thắt chặt của New Delhi, các quan chức cấp cao giấu tên của Ấn Độ hôm nay cho biết.
Căng thẳng biên giới Ấn - Trung leo thang từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 với đỉnh điểm là vụ ẩu đả chết người hôm 15/6 tại thung lũng Galwan khiến hàng chục binh sĩ hai nước thương vong. Sau vụ đụng độ, hai nước không ngừng đưa quân tăng viện và khí tài hạng nặng lên khu vực biên giới.
New Delhi và Bắc Kinh sau đó xúc tiến các cuộc đàm phán cấp cao nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở biên giới. Hai nước đã đồng ý rút bớt quân quanh LAC sau các cuộc hội đàm quân sự và ngoại giao gần đây.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 28/7 cho biết nước này và Ấn Độ đã "hoàn tất việc rút quân" khỏi hầu hết khu vực biên giới tranh chấp giữa đôi bên. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ấn Độ sau đó bác bỏ thông tin từ phía Trung Quốc, cho rằng tuyên bố hai nước đã hoàn tất việc rút binh sĩ ở biên giới là không chính xác.
Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, hai nước mới chỉ đồng ý việc rút quân "sớm và hoàn toàn" tại phía đông Ladakh và có thể sẽ sớm tổ chức các cuộc đàm phán quân sự để bàn về những bước tiếp theo nhằm đảm bảo hoàn thành việc rút quân tại các điểm nóng khác, nhằm giảm leo thang, khôi phục hòa bình và ổn định tại khu vực biên giới.
Tướng Ấn Độ về hưu B K Sharma, giám đốc Viện Quân chủng Thống nhất Ấn Độ có trụ sở ở New Delhi, cho rằng các động thái của hai bên gần đây đã khiến bản chất của Đường Kiểm soát Thực tế, ít nhất là ở Ladakh, đã "thay đổi vĩnh viễn". "Lực lượng tăng viện của hai bên sẽ không bị rút về, trừ khi có thỏa thuận ở cấp chính trị cao nhất", Sharma nói.
Quân đội Ấn Độ hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Huyền Lê (Theo Hindustan Times)