Chính phủ Ấn Độ đã gửi lời mời tới hàng loạt tập đoàn quốc phòng để tìm kiếm nhà cung cấp máy bay tiêm kích mới, CNN đưa tin ngày 25/10. Hợp đồng có trị giá lên tới 12 tỷ USD, trong đó yêu cầu nhà sản xuất chuyển giao cả dây chuyền chế tạo máy bay.
Chuyên gia phân tích Ben Moores của IHS Jane's cho rằng Ấn Độ sẽ mua 150 máy bay với trị giá 65 đến 80 triệu USD/chiếc. Quốc gia này sẽ phải mua với giá khá cao do yêu cầu nội địa hóa dây chuyền sản xuất. Điều này từng gây ảnh hưởng không nhỏ tới hợp đồng mua máy bay quân sự giữa Ấn Độ và Pháp.
Hãng Dassault từng nhận đơn hàng bán 126 tiêm kích Rafale cho Ấn Độ. Tuy nhiên, quá trình thương lượng bị kéo dài nhiều năm do Ấn Độ muốn tự sản xuất 90 chiếc Rafale trong nước. Hợp đồng hoàn chỉnh được ký hồi tháng trước, trong đó Ấn Độ sẽ nhận 36 máy bay do Pháp sản xuất.
Các hãng như Lockheed Martin (Mỹ) và Saab (Thụy Điển) sẵn sàng nhảy vào thị trường Ấn Độ. Đại diện của Saab cho biết đang chuẩn bị giải pháp phù hợp với yêu cầu của New Delhi. Hãng này từng chuyển giao công nghệ máy bay JAS-39 Gripen cho Brazil khi nước này đặt mua sản phẩm.
Lockheed Martin còn đưa ra một đề xuất hấp dẫn hơn, biến Ấn Độ trở thành quốc gia sản xuất máy bay F-16 duy nhất trên thế giới. Dây chuyền và công nghệ chế tạo sẽ được chuyển giao đầy đủ nếu hãng này giành được hợp đồng. Lockheed Martin khẳng định không đối thủ nào có thể đưa ra đề nghị tốt như vậy.
Tuy nhiên, các hợp đồng trong quá khứ cho thấy thỏa thuận hoàn chỉnh mất rất nhiều thời gian mới trở thành hiện thực. Theo ông Moores, sự quan liêu và tranh chấp quyền lợi trong ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ sẽ làm chậm tiến độ của thương vụ khổng lồ này.
Xem thêm: Nga khoe tên lửa mạnh gấp 3.000 lần bom hạt nhân Mỹ